Một số điều kiêng kị của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Một số điều kiêng kị của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Bản làng người Hà Nhì
Bản làng người Hà Nhì

Điển hình như khi đến bản làng người Hà Nhì, trên đường vào nhà, khi thấy một cánh cổng chào dựng tạm phía trên buộc tua tủa những dao gỗ, kiếm gỗ, đầu cánh gà... đó là lúc trong làng đang tổ chức lễ cúng xua đuổi tà ma. Tương tự như vậy hàng năm các nghi lễ chung: cúng thần làng, xua đuổi ma ác của đồng bào Tày, Thái, Giáy, Lào, Bố Y, Xá Phó...thường được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 6, 7 âm lịch. Khi cúng đồng bào đặt các dấu hiệu kiêng kỵ cấm người lạ vào làng như: buộc chùm lá xanh ở cột cao trên đường vào làng hoặc đan phên mắt cáo, buộc vào đó xương hàm lợn, trâu, bò.

Trước khi vào thăm nhà đồng bào các dân tộc, cần quan sát kỹ, nếu thấy ở trước cửa nhà, ở đầu cầu thang cắm hoặc treo một cành lá xanh, một cành gai hoặc cắm một tấm phên đan hình mắt cáo... Đó là những dấu hiệu kiêng cấm, gia đình không muốn người lạ vào nhà. Nhà người Hà Nhì Đen có hai lớp cửa, khách xa tới chỉ nên vào cửa thứ nhất. Nếu muốn vào cửa thứ hai thì phải được gia đình chủ đồng ý. Nhà người Thái có đầu cầu thang, phụ nữ chỉ được lên cầu thang có sân phải (bên trái), không được lên cầu thang bên phải. Ở vị trí quan trọng nhất trong nhà (vách nhà ở gian giữa hoặc góc đầu nhà sàn) là nơi thờ tổ tiên.

Trong ngôi nhà đồng bào các dân tộc, cửa và cây cột chính cũng là vị trí linh thiêng thờ thần cửa, thần cột cái. Vì vậy không nên ngồi bậu cửa hoặc treo mũ nón và tựa lưng vào cột cái. Ở vùng người Thái, Tày, Kháng, La Ha, Phú Lá kiêng không đem lá xanh, cành cây xanh, rau xanh vào cửa chính. Đồng bào kiêng không huýt sáo ở trong nhà, vì nó là tín hiệu gọi ma tà, bão giông.
Khi ngồi gần bếp của người Mông, tuyệt đối không quay lưng và giẫm chân vào bếp
Khi ngồi gần bếp của người Mông, tuyệt đối không quay lưng và giẫm chân vào bếp

Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng vừa là nơi tiếp khách của đồng bào các dân tộc, đồng thời là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa. Do đó có nhiều kiêng kị liên quan đến bếp lửa, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không đặt chân lên hoặc làm xê địch hòn đá kê làm kiềng, vì theo quan niệm của một số dân tộc thì các hòn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa. Khi đun nấu đồng bào Tày, Thái, Nùng, Giáy, Bố Y, Lào, Lự... đều chú ý đặt chảo, nồi lên bếp không được để hai quai nồi, chảo theo hương cây xà ngan (vì đó là hướng nằm của người chết) mà phải đặt theo hướng đòn nóc nhà.

Ở vùng đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì... khi đưa củi vào bếp, không đưa ngọn vào trước, vì quan niệm sợ con gái gia chủ sau này sẽ sinh ngược. Khi ngồi gần bếp, du khách không quay lưng và giẫm chân vào bếp.

Nét đẹp hoang sơ của cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, những bức ảnh rất đẹp về đời sống và văn hóa dân tộc luôn thu hút sự khám phá của du khách. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cần tìm hiểu kĩ hơn về văn hóa của họ, đặc biệt là những điều kiêng kỵ của từng dân tộc nói riêng, nhằm tránh việc phạm húy trên đất khách quê người.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn
Theo dantocviet.cinet.gov.vn

Có thể bạn quan tâm