Món ăn lam của người Pa Cô

Món ăn lam của người Pa Cô
Sau này, khi đã sống định cư, tập tục nấu thức ăn trong ống nứa không mất đi mà trở thành một món ăn truyền thống không thể thiếu trong những dịp lễ, tết, là đặc trưng trong nghệ thuật ẩm thực của vùng cao Quảng Trị. Theo quan niệm của người Pa Cô, thần linh và ông bà, tổ tiên đã quen dùng những món ăn này nên vào dịp lễ, tết nên họ phải bày cúng mời ông bà.
 
Đồng bào Pa Cô bên ché rượu cần
Đồng bào Pa Cô bên ché rượu cần

Không cầu kỳ như những món ăn ở miền xuôi, món ăn lam của đồng bào miền núi giản đơn có nguồn gốc từ cuộc sống hoang dã từ ngàn xưa. Tuy nhiên, vẫn có những quy định riêng trong cách chế biến. Ống nứa (thuộc loại cây họ tre) được chọn để lam phải là ống có lóng dài (khoảng 50-70 cm), còn tươi non, để khi lam, chỉ cháy được ở phần ngoài. Cơm lam (Đooi Yhoor), cơm nếp lam (Đooi chot) là món lam phổ biến nhất của người Pa Cô. Bà con thường dùng nếp than để nấu món này. Đây là loại nếp hạt nhỏ, dẻo, mềm...

Trước khi nấu, bà con lấy gạo nếp bỏ vào ống nứa đã rửa sạch, rồi đổ nước vào ngập miệng ống, ngâm một đêm cho gạo mềm. Hôm sau, người ta đổ nước ra, lấy lá chuối bịt miệng ống và đặt trên bếp than. Người nấu ngồi bên bếp lửa cầm ống nứa trở qua, trở lại, nấu từ đáy ống dần lên miệng ống. Nếu nấu ở miệng ống trước thì hơi sẽ bị nén làm ống bị nứt. Khi mùi thơm của cơm nếp lam tỏa ra, ống nứa mềm thì cơm chín tới. Cách bóc cơm lam cũng phải đúng kiểu, bóc làm sao cho còn lớp vỏ lụa trắng mỏng mảnh của cây nứa thì mới cảm nhận hết chất thơm ngon, dẻo ngọt của xôi nếp.

Trong mâm cỗ của người Pa Cô, không thể thiếu món thịt nấu trong ống (Pâr Hoor), cá nấu trong ống (Boaiq Yhoor). Theo quan niệm của người Pa Cô, thịt, cá tượng trưng cho núi rừng, sông suối. Người ta thường dùng thịt rừng để nấu. Khi chế biến, họ cắt thịt thành từng khúc vừa, trộn đều với gia vị và bỏ vào ống nứa rồi nướng cho đến khi nào vỏ nứa bên ngoài cháy đều, nước trong ống đã cạn khô là chín ngon. Hoặc khi săn được nhiều thú rừng, thịt rừng được đồng bào phơi khô, gác trên giàn bếp để dành đến lúc mang xuống nướng thơm phức ăn với cơm lam. Thưởng thức các món cá, thịt nấu trong ống nứa, mọi người sẽ cảm nhận được vị cay của ớt, vị thơm của lá kiệu, nước ngọt của cây nứa ngấm vào thức ăn...

Món Pâr-ruk cũng là món ăn đặc sản, quý hiếm của người Pa Cô. Món này được chế biến từ chuột rừng và củ sắn, bỏ vào ống nứa. Sau khi cho gia vị vào, trộn đều, gồm tiêu, ngò tây, kiệu... người ta đun chín rồi lấy gai mây cho vào ống thọt cho đến khi thịt, sắn nhuyễn, quyện vào nhau tạo thành chất dẻo. Món này thường được dùng cùng với xôi, cơm.

Các món ăn lam thường được bày trên lá mây hoặc lá chuối tươi sạch. Cái ngon của nó là giữ được nguyên vẹn hương vị tự nhiên của thực phẩm. Nó không đơn thuần chỉ là món ăn mà cao hơn còn chứa cả yếu tố văn hoá, nghệ thuật. Món ăn lam còn được dùng để biểu hiện cho tình thương, sự quý trọng.

Vào dịp cúng Aza, những vị khách dù không mời mà đến sẽ trở thành khách quý, nên ngoài cúng thần linh, ông bà, món ăn lam được dùng để đãi khách, vì theo quan niệm của người Pa Cô, họ sẽ đem lại nhiều may mắn trong vụ mùa tới. 
Theo baoquangtri.vn

Có thể bạn quan tâm