Lễ Xên Cung của đồng bào Khơ Mú

Lễ Xên Cung của đồng bào Khơ Mú
Thầy cúng chuẩn bị lễ vật cúng ngoài gốc cây to của bản. Ảnh: Nam Sương
Thầy cúng chuẩn bị lễ vật cúng ngoài gốc cây to của bản. Ảnh: Nam Sương

Đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú, lễ cúng bản có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lễ cúng bản diễn ra với mục đích cầu mong các vị thần linh, trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người khỏe mạnh, cầu cho bản mường ấm no, nhà nhà hạnh phúc, đồng thời qua nghi lễ thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào thiên nhiên, đồng thời đề cao giá trị nhân văn và tình đoàn kết cộng đồng, bản mường.

Lễ cúng bản được tổ chức thường niên mỗi năm một lần, lễ diễn ra trong một ngày, sau khi gieo trồng cây lúa lên cao bằng gang tay thì người Khơ Mú tiến hành làm lễ.

Trước khi làm lễ cúng bản, dân bản cùng tập hợp nhau lại để bàn bạc phương thức tiến hành nghi lễ và mọi người cùng đóng góp lễ vật và cùng chung tay sửa soạn để tổ chức buổi lễ. Trong bản sẽ chọn ra một người làm thầy cúng đứng ra đại diện cho bà con dân bản làm nghi lễ khấn mời các vị thần thánh. Thầy cúng phải là người thạo việc thờ cúng, hiểu biết rõ phong tục tập quán của dân tộc. Theo quan niệm của đồng bào, càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui, năm đó bản làng năng suất lao động càng cao và bội thu mùa màng.

Nghi lễ được tiến hành cúng ngoài gốc cây to của bản trước, sau đó mới cúng trong nhà.
 
Thầy cúng tiến hành nghi thức cúng ngoài gốc cây to. Ảnh: Nam Sương
Thầy cúng tiến hành nghi thức cúng ngoài gốc cây to. Ảnh: Nam Sương

Lễ vật cúng ở gốc cây to đầu bản gồm: Đầu lợn, sườn lợn, 4 cái chân lợn, gan lợn, tim, gà trống luộc chín, 2 bộ quần áo nam nữ để thần bản, ma bản về lấy hồn quần áo đi, nến sáp ong, xôi đồ, rượu trắng, 1 bát gạo, 1 quả trứng luộc, gói muối trắng, đĩa trầu, vải trắng, vải đỏ, vải đen, 2 bung thóc, 2 bung trấu để dâng cúng ma làng, các thần linh để báo cáo về vụ thu hoạch được mùa vừa qua. Thầy cúng cùng mọi người ra làm lễ ở ngoài gốc cây to đầu bản.
 
Thầy cúng mời ma làng và thần linh về dự lễ. Ảnh: Hoàng Tâm
Thầy cúng mời ma làng và thần linh về dự lễ. Ảnh: Hoàng Tâm

Sau đó, thầy cúng và mọi người vào cúng trong nhà. Mâm lễ cúng trong nhà gồm: 1 con gà trống, xôi đồ, rượu trắng, đĩa trầu... để báo cáo tổ tiên con cháu đã hoàn thành công việc mời ma làng và các thần linh về dự lễ.
 
Mâm lễ vật cúng trong nhà. Ảnh: Hoàng Tâm
Mâm lễ vật cúng trong nhà. Ảnh: Hoàng Tâm 
 

 
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng trong nhà cùng bà con dân bản. Ảnh: Nam Sương
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng trong nhà cùng bà con dân bản.
Ảnh: Nam Sương

Sau phần nghi lễ là đễn phần hội rất tưng bừng, vui tươi và cuốn hút mọi người cùng tham gia. Đồng bào cùng nhau nhảy múa những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú và chơi các trò chơi dân gian.
 

 

 
Bà con dân bản cùng vui hội với những điệu múa truyền thống. Ảnh: Nam Sương
Bà con dân bản cùng vui hội với những điệu múa truyền thống.
Ảnh: Nam Sương

Lễ cúng bản là ngày hội đoàn kết của cộng đồng dân tộc Khơ Mú, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng.
          Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm