Lễ mừng lúa mới của người Tày, Nùng

Lễ mừng lúa mới của người Tày, Nùng
Mâm cỗ mừng lúa mới của người Tày, Nùng huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)
Mâm cỗ mừng lúa mới của người Tày, Nùng huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)

Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức trong khoảng thời gian sau tiết Bạch lộ và trước Thu phân tháng Tám, trong những ngày đó, người dân chọn ngày Thìn để tổ chức “ăn tết”. Thời điểm này cũng là lúc những bông lúa ngoài đồng bắt đầu chắc hạt, chuẩn bị chín vàng và cho thu hoạch. Lễ mừng lúa mới là dịp người dân dâng thành quả lao động sau một năm sản xuất với tổ tiên, cũng là dịp cảm ơn trời đất đã ban cho mưa thuận, gió hòa và một vụ mùa bội thu.

Về nguồn gốc của lễ mừng lúa mới, các cụ cao niên kể lại: Thuở xưa, ở một bản nọ, có hai anh em trai sống trong một gia đình nghèo khó, quanh năm thiếu cái ăn, cái mặc, cha mẹ lại già yếu. Cuộc sống của họ cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi cha mẹ hai anh em qua đời vì đói. Những người dân trong bản cũng chung cảnh đói nghèo, quanh năm phải vào rừng sâu đào rễ cây, củ mài về ăn sống qua ngày. Ngày này qua tháng khác, cuộc sống của họ cứ tiếp diễn cho đến khi hai anh em khôn lớn trưởng thành, còn dân làng quanh năm vẫn nghèo khổ, làm mãi chẳng bao giờ đủ ăn. Không cam chịu sống trong cảnh đói nghèo, hai anh em quyết tâm đi xa tìm kiếm lương thực để cuộc sống no đủ hơn. Hơn một năm sau, hai anh em trở về với bản làng và mang theo một thứ ngũ cốc ngon hơn ngô. Hai anh em hồ hởi cho biết được “người trời” cho một thứ ngũ cốc mà “người trời” hay ăn, đó là những hạt lúa. Họ bắt đầu gieo những hạt lúa đó xuống đất, rồi hạt nảy mầm, ra bông, kết hạt. Từ đó dân làng được ấm no, không còn phải vào rừng đào củ mài, rễ cây như trước nữa. Sau này, khi hai anh em qua đời, để ghi nhớ công lao, hằng năm trước mùa gặt vụ lúa mới (tháng 8, 9 âm lịch), người dân trong bản lại tổ chức lễ mừng lúa mới để tưởng nhớ đến hai anh em.

Theo bà Triệu Thị Mơ, 77 tuổi, ở làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, vụ mùa hằng năm, sau khi cấy lúa được 3 tháng cả làng sẽ bắt đầu làm lễ mừng lúa mới. Trưởng làng chọn ngày tốt cho cả làng cùng làm lễ, nhưng nhà nào nhà nấy tự cúng và ăn bữa cơm quây quần bên nhau. Mâm lễ cúng gồm: 1 con vịt, đậu phụ, nem, khoai sọ, rau xanh, 1 chai rượu trắng... Để chuẩn bị làm món ăn, các thành viên trong gia đình bắt tay vào chế biến từ 14 - 17 giờ để dâng lễ cúng tổ tiên. Lễ vật quan trọng nhất không thể thiếu trong mâm lễ cúng tổ tiên là một bát nước đã đun sôi với 5 - 10 bông lúa non được lấy về từ mảnh ruộng màu mỡ nhất của gia đình. Sau khi cúng tổ tiên, cho người già trong nhà ăn trước, cuối cùng mới đến các thành viên trong gia đình cùng ăn cơm. Trước khi dùng bữa, các thành viên uống một ngụm nước lúa non với quan niệm tương lai sẽ không bao giờ bị đói khát, con cái được no ấm, thậm chí tránh được tai họa và đuổi cả tà ma. Theo tục lệ mừng lúa mới, khi ăn cơm không được chan canh, tránh những đám ruộng sẽ có nước gây khó khăn cho việc gặt hái.
 
Bát nước lúa mới - lễ vật không thể thiếu trong ngày tết mừng lúa mới.
Bát nước lúa mới - lễ vật không thể thiếu trong ngày tết mừng lúa mới.

Trong ngày lễ mừng lúa mới, một số xóm: Bản Khuông, xã Thông Huề; Phja Phảng, Kéo Hin, Pác Riêng, xã Trung Phúc... trẻ con và người lớn thường tụ tập nhau làm khèn bằng những cọng rơm hoặc dùng lá cây Cáp Tao - một loại cây lá dài, thẳng mọc ở trong rừng làm khèn ồ lô. Đợi đến tối ăn cơm xong sẽ tụ tập thành từng nhóm cùng nhau thổi vang những giai điệu vui tươi "í ồ, í ồ, í í ồ ồ...". Tiếng khèn ồ lô vang vọng đến các bản làng xung quanh với những giai điệu "í ồ" được tấu lên theo từng cặp đôi đối đáp nhau khiến cho lễ mừng lúa mới càng thêm vui nhộn.

Anh Đinh Hỡi, xóm Phja Phảng, xã Trung Phúc chia sẻ: Những chiếc khèn ồ lô chỉ có giá trị duy nhất trong ngày lễ mừng lúa mới vì người dân cho rằng thổi khèn sớm quá lũ chuột nghe thấy sẽ đến phá hoại mùa màng. Đây là thời điểm thích hợp để tấu lên những bản nhạc báo hiệu mùa màng tốt tươi sắp được thu hoạch và bước vào một mùa vụ sản xuất mới. Lễ mừng lúa mới còn là dịp con cháu nhớ ơn tổ tiên, biết ơn mẹ lúa và giáo dục cho các thế hệ trẻ ngày nay hiểu về truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, dù có đi đâu cũng nhớ đến phong tục mừng lúa mới ở quê nhà.
Theo baocaobang.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm