Lễ hội cầu mưa - văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Thái trắng Sơn La

Lễ hội cầu mưa - văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Thái trắng Sơn La
Lễ vật để cúng trong Lễ hội cầu mưa. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Lễ vật để cúng trong Lễ hội cầu mưa. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Cộng đồng dân tộc Thái xã Mường Sang thuộc ngành Thái trắng, họ sống quần cư bên những dòng suối và thung lũng ven đồi, núi. Người Thái ở đây, canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, với quan niệm vạn vật hữu linh và tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối, đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là thần mưa. Do vậy, cứ vào dịp rằm tháng hai âm lịch hàng năm, người Thái tại Mường Sang lại tổ chức lễ hội cầu mưa. Đây là thời điểm bắt đầu cho mùa màng của năm mới, để cầu cho dân bản được một năm bội thu, đồng thời giáo dục các thế hệ con cháu biết bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.
 
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Lễ hội cầu mưa năm nay gồm hai phần lễ và hội. Trong đó ở phần lễ, ngay từ sáng sớm, thầy cúng dẫn một bà góa trong bản quẩy đôi gánh buộc những ống bương đựng nước đi tới từng nhà gọi chị em phụ nữ cùng ra mó nước. Sở dĩ phải là bà góa, bởi câu chuyện ban đầu xuất phát từ việc khô hạn, mọi người muốn làm lễ cầu mưa nhưng lại e ngại, sợ ông trời nổi giận sẽ phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa. Bà nói rằng, nếu ông trời phạt, bắt phải chết thì chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Bà góa cùng các chị em trong bản thường là những người đã có gia đình và ở tuổi trung niên ra mó nước cúng thổ địa và thần linh ở mó nước. Cúng xong, đoàn xin một ít nước mang về nơi diễn ra buổi lễ.
 
Lễ hội cầu mưa - văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Thái trắng Sơn La  ảnh 3
Nghi lễ cầu mưa. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Khi đoàn lấy nước trở về, một người đại diện cho ông then ngồi phía trên, hướng mặt về phía lễ vật. Đồ cúng gồm măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, bánh ít uôi, gạo nếp, gà luộc… Thầy mo ngồi phía dưới, cùng với những người vừa lấy nước về, dân bản ngồi xung quanh phía sau. Nước lấy về được dựng quanh cây vạn vật. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa. Kết thúc bài cúng, ông then tuyên bố ban nước cho dân và cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau đó, ông then bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa vẩy nước vào những người dự lễ.
Phần hội của Lễ cầu mưa là những điệu múa hát và các trò chơi truyền thống của người Thái cùng du khách. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Phần hội của Lễ cầu mưa là những điệu múa hát và các trò chơi  truyền thống của người Thái cùng du khách. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Trước đó, để diễn ra lễ cầu mưa, người dân địa phương đã phải tới địa điểm tổ chức dựng một cây vạn vật (còn gọi là cây vũ trụ) gồm có con chim, con ve được đan bằng nan để mang lời khấn của dân bản tới ông then (ông trời). Cùng với đó là những cái lồng nhỏ bên trong đặt trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai… tượng trưng cho sự khô hạn, thiếu nước đến mức các loài vật sống dưới nước cũng chết. Cây vạn vật thể hiện sự khó khăn của cuộc sống do thiếu nước và thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra, người dân trong bản tổ chức dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm với thông điệp gửi đến ông then rằng họ đã sống tốt và biết bảo vệ những gì ông then ban tặng.

Sau phần lễ, người dân địa phương và du khách đã cùng nhau hòa mình trong tiếng trống, tiếng chiêng múa hát và chơi các trò chơi gian dân truyền thống của người Thái.
 
          Sơn Ca 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm