Lễ cúng bến nước của người Êđê: Từ ý nghĩa tâm linh đến ý thức bảo vệ sinh thái

Lễ cúng bến nước của người Êđê: Từ ý nghĩa tâm linh đến ý thức bảo vệ sinh thái
Vừa qua, tại buôn Nur, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (Đắk Lắk), người dân được sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa huyện đã phục dựng Lễ cúng bến nước. Già làng Y Vin Niê (buôn Nur) cho biết, người dân tộc Êđê nói chung và người dân buôn Nur nói riêng rất coi trọng bến nước và nguồn nước. Nó không chỉ mang lại sự sống, duy trì sự sống cho người dân mà còn có ý nghĩa tâm linh. Chính vì vậy, lễ cúng bến nước tại đây được tổ chức theo đúng truyền thống, tạo sự gắn kết trong cộng đồng.

Trước ngày lễ cúng diễn ra, già làng thông báo, họp bàn dân làng để tổ chức thực hiện hiệu quả nhất. Thanh niên trai tráng dọn vệ sinh và tu sửa đường vào bến nước; phụ nữ thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm...
 
Thầy cúng Ae Số thực hiện nghi thức cúng bến nước tại buôn Nur (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk).
Thầy cúng Ae Số thực hiện nghi thức cúng bến nước  tại buôn Nur (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk). 

Người Êđê vốn coi trọng các lễ cúng, đặc biệt là cúng bến nước. Đây là một phong tục lâu đời, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của họ, vì vậy dù hiện nay những lễ cúng này đã được tối giản cho phù hợp, nhưng những phần quan trọng vẫn đầy đủ và chi tiết để không mất đi sự thiêng liêng của nó. Thầy cúng Ae Số cho biết, lễ cúng bến nước tại buôn Nur diễn ra trong ba ngày. Mỗi ngày, lễ vật và cách cúng khác nhau, vì ý nghĩa của mỗi giai đoạn cũng khác nhau.

Ngày thứ nhất, cúng tại nhà chủ bến nước và bến nước. Lễ vật gồm 1 con heo đực đen, 7 ché rượu được buộc vào các cây cột thành một hàng dọc ở giữa ngôi nhà dài, trong đó có 3 ché rượu dùng để cúng bến nước, 2 ché cúng cho chủ nhà và 2 ché để đãi khách gần xa. Ngay từ sáng sớm, những thanh niên trai tráng đã đổ đầy nước vào bình rượu cần; thịt heo thì được chế biến thành các món ăn để dâng lên thần linh, trong đó không thể thiếu đầu heo và tiết heo pha với rượu. Sau khi lễ vật được bày biện xong thì chiêng được tấu lên rộn rã, báo cho dân làng được biết công tác chuẩn bị đã xong, mọi người trong buôn tập trung về tại nhà chủ bến nước để tiến hành nghi lễ.
 
Cô gái lấy nước sau lễ cúng.
Cô gái lấy nước sau lễ cúng.

Phần cúng tại bến nước được xem là quan trọng nhất, tại đây thầy cúng dùng khiên chọc vào nguồn nước với ngụ ý xua đuổi cái xấu đi để nguồn nước luôn sạch sẽ và đủ đầy. Lời thầy cúng khấn có ý nghĩa: “Hôm nay chủ bến nước và bà con dân làng trong buôn làm lễ cúng bến nước, cầu mong các Yàng phù hộ cho nguồn nước trong lành, dồi dào và thông suốt, không bao giờ cạn, dân làng mạnh khỏe, no ấm, mùa màng bội thu...”. Sau đó, các cô gái hứng những giọt nước trong lành và mang về nhà đổ vào bình rượu cần để lễ cúng được tiếp diễn, đó là nghi thức cúng sức khỏe cho chủ nhà, cho buôn làng. Khi buổi lễ kết thúc thì nghi thức uống rượu cần được bắt đầu. Chủ bến nước sẽ uống đầu tiên rồi mới đến nam chủ nhà và khách mời.

Ngày cúng thứ hai là ngày cấm buôn. Lễ vật bao gồm 1 con gà trống lông trắng, 1 ché rượu cần, sợi chỉ để buộc lông gà. Tại ngày này, cổng buôn được dân làng thiết lập bằng cách treo sợi dây có buộc lông gà, bông trắng và 1 chiếc vòng làm bằng tre. Cổng được đóng lại để báo cho khách gần xa và người dân biết, hôm nay trong buôn có việc cấm; cấm ra, vào, cấm gùi nước, cấm giặt giũ, cấm chẻ củi, người ngoài không được vào, người trong buôn không được ra, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục. Sau khi thực hiện các nghi lễ cúng, thầy cúng phát cho mỗi gia đình một nắm gạo và một sợi chỉ bông để mang về làm lễ cúng tại nhà. Sợi chỉ này sẽ được buộc vào tay các thành viên trong gia đình với ý nghĩa linh thiêng, mang lại may mắn trong cả năm cho người đeo nó, vì vậy không được tùy tiện tháo gỡ. Về sau, nếu trời có giông bão, mưa không thuận, gió không hòa thì mang nắm gạo thầy cúng đã phát rải ra trước sân nhà mình và cầu mong cho trời đất được mưa thuận, gió hòa.
 
Phần chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng bến nước.
Phần chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng bến nước.

Ngày thứ 3 là cúng mở cổng buôn; đây là nghi thức cuối cùng của lễ cúng bến nước. Lễ vật gồm 1 ché rượu cần, 1 con gà trống, khố, áo, khăn, khiên, đao, bầu nước, kiêng đồng, chén đồng, cuốc, hạt gạo đựng trong nia. Sáng sớm ngày thứ 3, thầy cúng, già làng, chủ bến nước ra mở cổng buôn, sau đó về nhà cúng báo với thần linh là nghi lễ cúng bến nước đã xong.

Sau lễ cúng bến nước, dân làng trở lại sinh hoạt bình thường. Người dân có thể giặt giũ, lấy nước để dùng, tưới cây… tại bến nước. Dù có làm gì nhưng người dân vẫn ghi nhớ một điều đó là luôn giữ cho nơi này được sạch sẽ, mạch nước luôn chảy tràn trề, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước, coi nguồn nước là báu vật của cả cộng đồng.
Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm