Lễ cầu may mắn, bình yên cho dân làng của người Ba na, Kon Tum

Lễ cầu may mắn, bình yên cho dân làng của người Ba na, Kon Tum
Là một trong những dân tộc bản địa ở Kon Tum, hiện nay người Ba Na còn lưu giữ khá nhiều phong tục truyền thống đặc biệt là những lễ hội văn hóa độc đáo. Người Ba Na quan niệm: con người từ khi sinh ra đến khi chết sẽ trải qua nhiều quá trình của mối quan hệ ứng xử; mối quan hệ Người - Người (cá nhân với cá nhân), mối quan hệ cá nhân với cộng đồng; mối quan hệ cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên - Yàng,…Trong những mối quan hệ ấy, đều tồn tại niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ và những Lễ hội để biểu trưng cho tín ngưỡng đấy. Trong đó có Lễ cầu may mắn, bình yên cho dân làng.
 
Lễ cầu may mắn, bình yên cho dân làng của người Ba na, Kon Tum.
Lễ cầu may mắn, bình yên cho dân làng của người Ba na, Kon Tum.

Lễ hội có từ xa xưa, truyền lại cho con cháu, bắt nguồn từ truyền thuyết ngày xưa trong làng bị đại dịch, không có thuốc men, dân làng chết nhiều. Người dân đã bắt dê làm vật tế thần, cầu mong thần linh xua đuổi tà ma. Kể từ khi đó hết dịch bệnh, không còn ai chết nữa nên lễ hội được duy trì hàng năm.

Lễ cầu may mắn, bình yên của người Ba na được tổ chức vào tháng 11, 12 hàng năm. Vào ngày lễ hội, tất cả thành viên trong buôn đều tập trung trước nhà Rông để làm lễ cúng thần. Già làng là người chủ trì buổi lễ.

Trong tiếng trống chiêng rộn ràng, đoàn người đi thành 1 vòng quanh cây nêu. Đi sau già làng là 2 người được hóa trang kì quặc, khác lạ. Một người trong trang phục bằng vỏ cây, 1 người lại khoác trên mình bộ cánh con đại bàng đất, với chiếc mỏ dài, hung dữ. Cả hai đều to lớn, đồ sộ và vừa đi vừa nhảy múa. Bà con đi phía sau. Các cô gái nhún nhảy theo nhịp chiêng của các chàng trai. Ghè rượu quý và một con dê được chọn để làm vật hiến sinh đã được cột cạnh cây nêu.

Tiếng chiêng vừa dứt, cũng là lúc đoàn người đã đứng thành vòng tròn xung quanh cây nêu. Già làng bước đến giữa vòng, vừa khấn Giàng vừa đâm dê, lấy tiết làm lễ tế thần: "Hôm nay đây, già trẻ, gái trai, dân làng chúng tôi tập trung đông đủ giữa sân bãi nhà rông cao vút và chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ theo ý thần mách bảo. Chúng tôi nguyện cầu các vị thần phù hộ cho buổi lễ cầu an này, xua đổi tà ma ra khỏi làng, xua đuổi hết sạch mọi hoạn nạn dịch bệnh ốm đau và điều ác khẩu hiện đang ẩn núp trong làng mau chóng đi xa ra khỏi làng. Dân làng chúng tôi tạ ơn thần đã ban phước lành trong suốt năm qua và cầu mong những năm tiếp theo cũng gặp nhiều may mắn...".

Cúng Giàng xong, già làng tiếp tục dẫn đoàn người đi vòng quanh sân nhà rông. Đôi mắt ông ánh lên tia nhìn giận dữ, kiên quyết. Một tay cầm giáo, một tay cầm khiên, ông vừa đi vừa làm động tác chiến đấu, xua đuổi tà ma. Đi sau già làng, hai người hóa trang vỏ cây và chim đại bàng đất, tay cầm mác, huơ ra phía trước một cách dứt khoát. Các cô gái đi sau, cầm chiếc lá, vung lên, làm động tác xua đuổi. Đi được một đoạn, già làng dừng lại, hú vang "xua đuổi đi". Bà con đi sau cũng hô theo. Đoàn người đi khắp các đường trên, ngõ dưới trong làng để xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xấu xa ra khỏi buôn làng, kể cả những ngõ ngách nhỏ, sâu nhất của làng:

- Đi trên đường thôi. Không có dừng lại đâu. Đi, ví dụ có mấy đường, đây là đường đi nước giọt, còn đường đây là đường chính đi làm rẫy. Cứ có con đường nào lớn, vào rừng là phải đi đuổi hết mấy con đường đó, xong rồi quay lại.  Vừa đi vừa đuổi. Già làng "húi", mình cũng "húi, húi, húi...", vậy là đuổi rồi. Khi xong rồi, mới quay về nhà rông, mới lễ hội.
 
Chủ lễ múa khiên xua các thế lực hắc ám.
Chủ lễ múa khiên xua các thế lực hắc ám. 

Không phải ai cũng được già làng chọn để tham gia đoàn "diễu hành" này: Già làng phải chọn những người sống tốt, người sống đàng hoàng, cần cù, chịu khó, biết thương người, sống vì mọi người. Những người đó, già làng mới chọn nằm trong đoàn người xua đuổi tà ma. Như thế, thần mới nghe. Những người xấu, bậy bạ là ông thần không nghe đâu.

Khi đã đi khắp các nẻo đường trong làng, đoàn người dừng lại trước con đường chính dẫn vào làng. Người ta đặt hình nộm người rừng và chim đại bàng đất trước cổng làng, để đề phòng ma quỷ, bệnh tật quay lại làng thì sẽ bị ngăn chặn và cản trở. Bà con cho rằng những điều xấu xa đã bị đuổi ra khỏi làng và yên tâm quay lại nhà rông, đánh chiêng, múa hát, mừng lễ hội.
 
Đồng bào diễn xướng xoang và cồng chiêng quanh cây nêu.
Đồng bào diễn xướng xoang và cồng chiêng quanh cây nêu.

Lễ may mắn, bình yên hiện nay vẫn được lưu giữ và bảo tồn. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào Ba Na giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, giáo dục con cháu bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung và góp phần quảng bá cho khách du lịch trong và ngoài nước biết đến.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn

Có thể bạn quan tâm