Hình ảnh người phụ nữ trong văn hóa Tây Nguyên

Hình ảnh người phụ nữ trong văn hóa Tây Nguyên
Nhà nhân học người Pháp, sống ở Tây Nguyên những gần 25 năm và trở thành nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes, cuối đời đã để lại một tác phẩm tuyệt vời trở thành kinh điển-cuốn “Rừng, Đàn bà, Điên loạn” (Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu). Với tuyến liên kết ba chủ đề này, “Đàn bà” như đòn gánh cân bằng và nhạy cảm hai đầu, như một cuộc du ngoạn “Đi qua miền mơ tưởng Giarai”. Văn hóa Việt vốn mang thiên tính nữ trực cảm, mềm mại, uyển chuyển, bao dung… như nước. Văn hóa Tây Nguyên đậm khuynh hướng tính nữ tự nhiên độc đáo trong mạch nguồn thống nhất ấy, “người đàn bà vừa là tự nhiên vừa là văn hóa… J.Dournes nói rằng “chàng (Drit-người anh hùng huyền thoại Giarai, người đàn ông Giarai điển hình… trong các cuộc chinh phục không bao giờ dứt và thiên hình vạn trạng) đi tìm con người nữ trong chính mình. Đi tìm cái cội nguồn tự nhiên của mình. Tự nhiên vốn mang tính nữ… Văn hóa là cái tự nhiên đã mang tính người” (Nguyên Ngọc). Đàn bà là văn hóa tín ngưỡng phồn thực chuyển qua tình dục hiện đại tồn sinh. Nàng là Xuân, làm nên mùa xuân, duy trì mạch sống.
 

Và quả vậy, trong hành trình văn hóa của đất nước lưng tựa vào núi mắt nhìn ra biển từ truyền thống đến hiện đại ấy, ta nhận ra xã hội và con người Tây Nguyên ngỡ lặng lẽ, thô mộc, đơn giản… nhưng kỳ thực đầy sức sống, phong phú và sâu thẳm. Tây Nguyên là vùng sơn nguyên mang diện mạo văn hóa bản địa phong phú đa dạng. Nữ tính như tính thống nhất văn hóa Tây Nguyên như câu Nao Dring giao thoa giữa lời nói thường ngày và ngôn ngữ thi ca. “Đẻ cùng một bụng-Nằm cùng một chỗ…-Chiếu trải cùng nằm-Cùng một dân tộc với nhau”.

Văn hóa dân gian (folklore) mang tính tổng thể nguyên hợp (Syncretique), tính nữ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt phân hợp nhiều yếu tố, từ thần thoại, truyện cổ, luật tục, sử thi, lời nói vần… đến các hình thức dân ca; từ kiến trúc nhà dài, nhà mồ, trang trí vật dụng, hoa văn y phục, ứng xử cộng đồng, tín ngưỡng, nghi lễ… Luật tục là di sản văn hóa tộc người. Tây Nguyên mang đặc trưng văn hóa rừng. Bằng ngôn ngữ giàu hình tượng, luật tục M'Nông ví von để nói về hậu quả của những kẻ đốt rừng: “Bảo nó cất chòi trên mặt trăng-Bảo nó cất chòi trên ngôi sao-Bảo nó tỉa lúa trên tầng mây”. Luật tục là kho tàng tri thức dân gian phong phú, trong sự tương tác hòa đồng môi trường tự nhiên, làm nên mạch sống và việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Làng Tây Nguyên gắn bó với 5 dạng rừng: nơi cư trú, làm rẫy, sinh hoạt, nghĩa trang, thiêng hóa đầu nguồn sự sống. Văn hóa làng với rừng, mối quan hệ con người với tự nhiên, cụ thể và trừu tượng… là cái cách, cái kiểu Tây Nguyên làm văn hóa qua vẻ đẹp, vai trò, vị trí… của những nàng sơn nữ.

“Đàn bà-xã hội Giarai là xã hội mẫu hệ, ba chữ “m”: (matrilinéaire) theo dòng mẹ, (matronymique-con cái) mang họ mẹ (matriloca-vợ chồng) cư trú phía nhà mẹ (vợ). Người đàn bà là rường cột của xã hội ấy. Bà là nền tảng của sự ổn định xã hội, bà là nội giới” (Nguyên Ngọc). Quan hệ xã hội mẫu hệ giữ vai trò chủ đạo trong các tộc người ở Tây Nguyên, việc tính dòng máu, thừa kế tài sản… cũng theo phía họ mẹ. Luật tục Ê Đê truyền hát giản dị sinh động điểm tựa mạch sống: “Con gái như hạt giống cây lúa, chính con gái là người khoác áo choàng khăn, là người giữ gìn cái nong, cái nia, cái lưng chỗ dựa của tổ tiên ông bà”. Thiêng hóa mà giản dị tự nhiên những nguồn tài nguyên thiên nhiên như sự cảnh tỉnh con người đương đại trong sự thực dụng phá hoại mù quáng.

Nếp sống nương rẫy xanh lá thơm hoa ngọt quả mềm nước… tạo nên môi trường sống làng buôn gắn bó núi rừng thiên nhiên. Các tộc người Tây Nguyên tồn tại những hình thái gia đình như mẫu hệ, phụ hệ và song hệ. Mẫu hệ là tiêu biểu và đặc trưng làm nên quan hệ cộng đồng buôn làng mang tính cộng cư, cộng lợi, cộng mệnh, cộng cảm… thực đến trần trụi mà huyền ảo tâm linh mơ tưởng, bình đẳng dân chủ như nữ giới quấn váy ở trần trong nhà hay mặc váy áo đẹp lễ hội trang trí hoa văn màu nguyên đều hồn nhiên. Hai mùa mưa nắng đi về… Phụ nữ Tây Nguyên bên bếp lửa, giã gạo chày tay, căng chỉ màu dệt váy, cầm cần rượu ngày lễ, dạo đưa nhạc cụ đàn đá, đàn nước, đàn trưng… Táo bạo mà tự nhiên tinh tế tạo vẻ đẹp quyến rũ đặc thù mang tính bản địa ở các nàng sơn nữ...

Sử thi Tây Nguyên là một dạng tự sự dân gian mang đặc thù về môi trường tự nhiên, truyền thống bản địa, đặc trưng văn hóa… trong đó tính cộng đồng và xã hội mẫu hệ lưu dấu đậm nét, vai trò phụ nữ được đề cao. Cái đẹp ở người anh hùng gắn với cái oai hùng, cao cả. Cái đẹp ở phụ nữ gắn với sự gợi cảm, quyến rũ. Vai trò của họ-người mẹ, người vợ, người yêu, người chị, em… trong gia đình, bên bếp lửa… và trong các mối quan hệ xã hội, chẳng những là nguyên nhân gây nên các cuộc chiến tranh mà còn phân định cuộc chiến, tham mưu, giải quyết chiến tranh xung đột. Sơn nữ là đại ngàn vừa bình yên thâm trầm, vừa giông bão dữ dội, phóng khoáng tự nhiên mạnh mẽ mà nữ tính vị tha, mang cảm xúc và khát vọng nhân văn chân mộc mà cao cả.

Ngược nhau mà đồng nhất, mấp mé chênh vênh mà nhịp nhàng mạch sống giữa làng và rừng, văn hóa và hoang dã, cô gái làng và cô gái rừng… con người có ám điên trong bấp bênh-cân bằng, tìm lại được chính mình. Chiến công và khát vọng tự do của tù trưởng trẻ tuổi tài năng Đăm Săn, tìm đường lên trời bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ “vì nghe nói con gái thần Mặt Trời đẹp chẳng ai bồng”… là một dạng điên ngông cuồng, mâu thuẫn giữa tham vọng vô bờ với khả năng hữu hạn, cái chết tất yếu vừa bi thương vừa hùng tráng mang ý nghĩa bi kịch trong sự vượt quá văn hóa tín ngưỡng mẫu hệ, con người đi quá giới hạn cho phép.

Đặc trưng đa dạng nhiều màu sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên gắn liền với rừng nguyên sinh, nơi bắt nguồn của lắm sông nhiều suối thác vừa oai hùng, vừa thơ mộng mẫu hệ nguyên sơ là một nét độc đáo mà phù hợp thống nhất với tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của người Việt. Mẫu hệ tính nữ như mạch sống tri thức bản địa, gắn liền với những tâm thức tự nhiên-môi trường, bản thân con người, sản xuất-tài nguyên thiên nhiên, sáng tạo nghệ thuật, ứng xử xã hội-quản lý cộng đồng… theo kiểu tư duy hiện thực huyền ảo. Với Tây Nguyên, những di sản văn hóa quý giá, luật tục, sử thi… là những lĩnh vực thể hiện rõ hình tượng phụ nữ, phản ánh hiện thực lịch sử, tâm thức ứng xử văn hóa của cao nguyên xanh, biểu hiện những nét thú vị cơ bản lý tưởng thẩm mỹ, giá trị nhân văn, tư duy hồn nhiên của con người từ sơ khai đến hiện đại, vang lên ý nghĩa giản dị mà tuyệt diệu trong lối sống hiện hữu, mạch sống còn xuân.
Theo baogialai.com.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm