Hát xiêng - Làn điệu dân ca độc đáo của người Pa Cô

Hát xiêng - Làn điệu dân ca độc đáo của người Pa Cô
Giống các làn điệu dân ca độc đáo khác như: Oát sa nớt, tà oái, ka lơi cha chấp của người Vân Kiều (nhóm địa phương thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) và Pa Cô, hát xiêng là lối hát thể hiện được nhiều cung bậc về tâm trạng của người hát: vui, buồn, giận dỗi, yêu thương; là lối hát ví von, có giai điệu rõ ràng để giãi bày tình cảm, nhắc về kỷ niệm, tâm sự lỗi lầm, hàm ý trách móc, mượn cảnh vật và sự việc để nói lên những vấn đề xảy ra trong cuộc sống gia đình, cộng đồng và xã hội.

Người hát trước sẽ bắt đầu bằng một đoạn xiêng mời gọi đối đáp, người hát sau đáp trả lại lời xiêng của người hát trước, có nội dung phụ thuộc vào lời hát được đưa ra. Vì thế mà chỉ có những người thông minh, ứng xử nhanh nhạy mới có thể hát xiêng hay, có ý nghĩa và có sức thuyết phục. Bài hát xiêng, mặc dù được người hát sáng tác ngẫu hứng, trong thời gian ngắn nhưng hàm chứa nhiều nội dung có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của người Pa Cô. Những bài xiêng hay ra đời từ ngàn xưa nhưng đến nay vẫn còn được lưu giữ lại, được nhiều chàng trai, cô gái Pa Cô hát trong các dịp lễ hội có ý nghĩa giáo dục về đạo đức, sự cần cù lao động, yêu thương giữa con người với con người và đoàn kết trong cộng đồng dân cư...
 
Thiếu nữ bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa luyện tập các làn điệu dân ca. Ảnh: baoquangtri.vn
Thiếu nữ bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa luyện tập các làn điệu dân ca. Ảnh: baoquangtri.vn

Hát xiêng phổ biến rộng rãi hơn, từ hai người trở lên và thể hiện trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh tùy thích, không bó hẹp về thời gian và không gian, có thể hát trong một lần gặp gỡ bạn bè, người thân, hát trong một cuộc vui nhỏ, hát trong khi lao động sản xuất trên nương, rẫy... Hát xiêng góp tiếng trong những ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Pa Cô như: Tết cổ truyền, mừng lúa mới, cúng Giàng, đón thần mặt trời thường kèm theo âm điệu của các nhạc khí như: khèn, xar, thanh la, chiêng, trống... Âm thanh của các nhạc khí hòa cùng với lời bài hát xiêng, biến đổi theo tâm trạng của người hát và phụ thuộc vào lễ hội.

Ông Hồ Văn Hồi, nghệ nhân thôn Pa Nho, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa) cho biết: Trong ngày hội lớn, sau phần lễ bái trang nghiêm, con cháu trong các dòng họ, bản làng sum họp vui vầy, ăn uống thỏa thích và múa hát xiêng. Trước hết là tiếng hát của một người có uy tín trong dòng tộc nói về ý nghĩa của ngày hội để mở màn, tạo thêm sinh khí, sự cuốn hút, kích thích khả năng sáng tác của những người cùng tham gia.

Người tiếp đến sẽ đối đáp lại với lời người vừa hát, thổ lộ niềm vui, nỗi buồn, những tâm sự, biểu hiện sự đồng tình hoặc không đồng tình với người hát trước. Hòa cùng với hát xiêng là âm thanh của các nhạc khí, các điệu nhảy múa và tiếng reo hò của những người đến dự hội. Họ mừng vui khi tiếng hát cùng ca ngợi tình đoàn kết giữa các dòng họ, bản làng, chung lưng đấu cật xây dựng quê hương, ngợi ca về một nghĩa cử cao đẹp; đồng tình với một câu hát ví von có ý trách móc nào đó, chia sẻ buồn vui hoặc tỏ rõ tình cảm yêu thương nhau qua các câu hát đối đáp...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðakrông, bà Hồ Thị Cúc, hát cho chúng tôi nghe bài xiêng mà nhiều người đàn ông vẫn thường hát để đánh thức vợ dậy lo toan việc nhà trong mỗi buổi sáng của ngày mới: 'Em ơi trời sắp sáng rồi/ em thức dậy cho lợn, gà ăn để chuẩn bị lên nương, lên rẫy...'. Người phụ nữ đảm đang, chăm chút việc nhà, việc nương rẫy sẽ hát đáp lại: 'Em biết việc em làm/ nay đã xong đâu vào đấy/ em cùng anh lên nương, lên rẫy'. Cứ thế, họ hát với nhau trong tâm trạng thật thoải mái, vui tươi, động viên nhau làm việc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong từng gia đình.

Hát xiêng cũng là lối hát giao duyên của nhiều chàng trai, cô gái Pa Cô, đó là những lời hẹn hò, thề ước với nhau rất lãng mạn mang nét văn hóa độc đáo của người miền núi. Một già làng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vẫn truyền tụng qua nhiều thế hệ, về làn điệu hát xiêng đã giúp hóa giải mối thâm thù, gắn kết yêu thương. Chuyện rằng: ở bản làng ngày đó, có một đôi trai gái yêu thương nhau say đắm, họ thề ước sẽ lấy nhau cho kỳ được, bất chấp sự ngăn cản của những người thân thích ở hai dòng họ.

Trong dịp lễ mừng lúa mới năm ấy, chàng trai và cô gái đã hát xiêng với nhau nói lên khát vọng tự do yêu thương và mong muốn sự đoàn kết giữa hai dòng họ để con cháu được đi lại với nhau, được tự do tìm hiểu, thành vợ, thành chồng. Lời hát của họ vang vọng, rung động lòng người, được sự tán đồng của những người tham gia lễ hội. Hòa lẫn giữa những lời hát xiêng của chàng trai, cô gái là tiếng hô vang đoàn kết của thanh niên nam, nữ của hai dòng họ. Và thế là mối thâm thù xưa của hai dòng họ được hóa giải, đôi trai gái được đến với nhau, tình yêu của họ mãi mãi vẹn tròn và hạnh phúc.

Ngày nay, các chàng trai, cô gái Pa Cô vẫn yêu mến các làn điệu hát của lối hát xiêng truyền thống. Các thể thức hát và cung bậc xiêng được lưu giữ trong ký ức và trong đời sống văn hóa các thế hệ người Pa Cô. 
 
Theo baoquangtri.vn

Có thể bạn quan tâm