Gìn giữ nếp nhà dài truyền thống

Gìn giữ nếp nhà dài truyền thống
Những truyền nhân trẻ

Nhà dài truyền thống của người Êđê là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng - tâm linh, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng. Vì vậy, để dựng một chiếc nhà dài cần có sự am hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc cũng như kỹ thuật lành nghề. Rất nhiều người nghĩ rằng, chỉ những nghệ nhân già mới có thể theo đuổi công việc này, nhưng rất nhiều thanh niên Êđê tuổi đời còn rất trẻ đã làm được.

Anh Y Phi Mlô, 19 tuổi, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) là một trường hợp như vậy. Dù chỉ mới theo học làm nhà dài được một năm, nhưng Y Phi đã có thể thực hiện được hầu hết các công đoạn của việc dựng nhà dài truyền thống. Chúng tôi gặp Y Phi khi anh đang hoàn tất hai chiếc cầu thang đực và cái của nhà dài. Ngoài những bậc thang thì mỗi bên lại có những họa tiết khác nhau như bầu vú mẹ, lưỡi liềm, mặt trăng... Đôi bàn tay anh thoăn thoắt, khéo léo đục đẽo từng chi tiết sao cho có hồn, đúng chuẩn theo kích thước đã ước lượng. Để hoàn thành hai chiếc cầu thang này mất ít nhất khoảng 5 ngày.
 
Anh Y Phi Mlô (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) đang thực hiện công đoạn đẽo cầu thang.
Anh Y Phi Mlô (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) đang thực hiện công đoạn đẽo cầu thang.

Chia sẻ về con đường gắn bó với nghề, anh Y Phi cho biết, ban đầu khi anh đi theo họ hàng dựng nhà dài thì chỉ nghĩ rằng, đây là một công việc tạm thời. Tuy nhiên, trong một năm làm anh cảm thấy rất tự hào về ngôi nhà dài truyền thống. Bản thân anh cũng đã học được nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc mình qua cách dựng nhà sàn truyền thống, điều mà trước đây anh chưa từng biết, nên anh đã quyết định sẽ gắn bó lâu dài với nghề của cha ông để lại.

Cũng là một trong những thanh niên có niềm đam mê và yêu thích nghề dựng nhà dài truyền thống, anh Y Thuyết Mlô (sinh năm 1993, buôn Đê, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) đã có hơn 3 năm theo nghề. Dù tốt nghiệp hệ trung cấp Y nhưng khi vô tình biết đến nghề dựng nhà dài thông qua một vài người bạn, anh đã tìm hiểu, sau đó xin theo học và làm đến tận bây giờ. Anh chia sẻ: “Hiện nay, tôi đã thành thạo với công việc dựng nhà dài. Nhưng tôi không bao giờ cho phép mình bất cẩn với công việc. Cho đến giờ, với tôi công đoạn nào để dựng nên nhà dài cũng khó, nhưng khó nhất vẫn là phần đẽo gọt, trang trí các con vật lên cầu thang. Tôi đã dày công tập luyện đến 2 năm mới thành thạo được”. Nhờ công việc này mà anh có thu nhập từ 7,5 - 10 triệu đồng/tháng để lo cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, nó còn giúp anh bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một.

Nỗi niềm thế hệ đi trước

Ông Y Thinh Niê Blô (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) là chủ thầu chuyên dựng nhà dài. Ông theo các cụ già trong làng học dựng làm nhà dài từ thời còn trẻ. Đến nay, mỗi năm ông nhận làm từ 7 đến 10 căn nhà dài. Công việc khá nhiều nên ông Y Thinh cần rất nhiều thợ, nhất là thợ trẻ để làm cùng. “Thế nhưng quả thật rất khó vì hiện nay có rất ít thanh niên chịu đi học và làm nhà dài dù công dựng khá cao, từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày”, ông Y Thinh trăn trở. Lý giải nguyên nhân trên, ông Y Thinh cho biết, một phần là do công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe, xa gia đình, một phần là phải tỉ mỉ, cẩn thận, chuyên tâm, học nghề không có sách vở nào chỉ dạy mà phải tự ghi nhớ qua kinh nghiệm làm việc, nếu không chịu được áp lực sẽ bỏ cuộc.
 
Thiếu nữ Êđê bên mái nhà dài truyền thống ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk). Ảnh: H. Gia
Thiếu nữ Êđê bên mái nhà dài truyền thống ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk). Ảnh: H. Gia

Với ông Y Thinh, ngày nay không chỉ làm nhà dài mới mà chỉ cần được sửa những căn nhà dài cũ với ông cũng đã là một niềm vui. Vì hiện nay, thanh niên dân tộc Êđê sau khi lập gia đình đều làm nhà xây hiện đại để ở, không còn ai thiết tha làm nhà sàn dài truyền thống… Một phần, do nguồn vật liệu, chủ yếu là nguồn gỗ ngày càng trở nên khan hiếm, đắt đỏ và cùng một diện tích sử dụng nhưng làm theo kiểu kiến trúc nhà sàn dài truyền thống thì có giá đắt gấp 1,5 lần trở lên so với làm nhà cấp 4. Thế nên, những căn nhà dài ngày càng vắng bóng trong các buôn làng.

Ở buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chỉ còn 3 cái nhà dài truyền thống. Trước sự thay thế nhà truyền thống bằng những ngôi nhà hiện đại, nhiều người già trong buôn rất buồn phiền. Là người gắn bó với buôn làng, ông Y Kanin Hđơk rất lo con cháu sau này lớn lên không biết ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Thế nên sau khi về hưu, ông đã động viên con cái, sử dụng diện tích đất sẵn có của gia đình dựng một chiếc nhà dài truyền thống. Khi chứng kiến những người thợ thanh niên Êđê tỉ mỉ, khéo léo xây dựng nên ngôi nhà dài cho gia đình ông rất hài lòng và vui mừng. Ông hy vọng, những căn nhà dài sẽ không mất đi mà vững chãi như chính tên gọi và ý nghĩa của nó.
Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm