Độc đáo lễ cúng sức khỏe của người Lô Lô đen

Độc đáo lễ cúng sức khỏe của người Lô Lô đen
Người Lô Lô đen xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc , huyện Bảo Lạc( Cao Bằng) thịt bê làm lễ cúng sức khỏe.
Người Lô Lô đen xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc , huyện Bảo Lạc( Cao Bằng) thịt bê làm lễ cúng sức khỏe.

Người Lô Lô đen quan niệm có “ma lành” và “ma dữ”. “Ma lành” phù hộ, bảo vệ con người, nương rẫy, gia súc, xóm làng; “ma dữ” gây ra tai họa cho con người, như: ma gió làm cho con người co giật, sốt, chết đột ngột; ma ngựa làm cho con người đau tức ngực; ma cây đa làm cho con người điên... Ngoài ra, người Lô Lô đen còn tin rằng mỗi xóm, làng đều có ma làng cai quản. Ma làng có thể làm cho làng thịnh vượng hay ốm đau, chết chóc, vì thế hằng năm, dân làng phải tổ chức cúng ma làng một lần. Nếu trong làng có nhiều người ốm đau, gia súc bị dịch thì người Lô Lô đen lại cùng nhau đóng góp lễ vật để cúng ma làng.

Lễ cúng sức khỏe được người Lô Lô đen làm khi trong nhà có người ốm, giống như giải hạn của người Tày - Nùng. Trước khi lễ cúng bắt đầu, gia chủ sẽ lấy lá bưởi và lá cây chít bó thành một bó nhỏ để cạnh cầu thang hay cổng rào ngoài sân, báo hiệu nhà có việc. Người nhà sẽ chuẩn bị một bàn bằng gỗ thấp, hình vuông, có chiều dài mỗi cạnh khoảng 1 m, trên bàn để 4 bát con đựng rượu, 6 cuộn vải trắng chia làm 2 bên và phủ vải hoa lên, kèm theo tiền giấy, đèn dầu... Quá trình làm lễ cúng sức khỏe có hai bước: cúng sống, cúng chín. Thủ tục ban đầu là cúng sống, gia chủ giết một con bò (bê), lấy 2 bát to tiết, 2 đôi đũa và rót rượu ra bát, rồi lấy dây thừng buộc vào cổ bò và kéo sợi dây dài đến bàn cúng. Thầy mo là người có uy tín với dân bản, trước ngày làm lễ phải giữ mình thanh tịnh, trong sạch. Khi cúng, thầy mo mặc y phục, ngồi quay lưng lại bàn thờ, hướng nhìn ra cửa chính và làm lễ. Bài cúng của thầy mo là gọi “ma lành” về để phù hộ, độ trì cho người được cúng gặp nhiều may mắn.

Ông Lý Văn Dung, ở xóm Khau Chang, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) là thầy mo của dân tộc Lô Lô đen cho biết: Bài cúng ngắn, dài, tùy thuộc vào trình độ của thầy cúng. Dân tộc Lô Lô đen có chữ viết khá sớm nhưng đã bị mai một, một số vùng đồng bào còn lưu giữ những văn tự chữ viết tượng hình nhưng hiện nay không ai đọc được. Các bài cúng của thầy mo phong phú và được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Cấp bậc thầy mo được phân biệt rõ ràng, trình độ sơ cấp là biết cúng gà, thứ cấp là biết cúng lợn, thầy mo “cao tay” là biết cúng bò.

Sau khi cúng sống, gia chủ sẽ mổ bò làm cơm và tiến hành cúng chín. Thường ngày, chuẩn bị bếp núc là phụ nữ, nhưng khi có nghi thức tâm linh hay những bữa cơm mời khách thì chủ bếp là những người đàn ông, bởi quan niệm đàn ông là những người biết việc hơn phụ nữ và việc tiếp khách, ngoại giao là của đàn ông. 
 
Sau khi chế biến xong theo yêu cầu của nghi lễ, mâm cúng chín có thịt luộc, nước canh, xôi, gan nướng, thịt nướng. Thầy mo sẽ cúng tổ tiên, gọi hồn người được cúng về với gia đình, cái tốt quay lại, cái xấu rời đi... Lễ cúng sức khỏe diễn ra từ 10 giờ đến 16 giờ. Sau các nghi thức trên, người ta tin rằng con ma ốm, vận hạn đã bị xua đi, người được cúng sẽ có sức khỏe dồi dào. Sau đó, gia chủ sẽ mời cơm họ hàng và bạn bè. Việc trả lễ cho thầy mo không quá nặng nề, tùy theo điều kiện của gia chủ. 
 
Một nghi thức cúng chín trong Lễ cúng sức khỏe của dân tộc Lô Lô đen Bảo Lạc.
Một nghi thức cúng chín trong Lễ cúng sức khỏe của dân tộc Lô Lô đen Bảo Lạc.

Dân tộc Lô Lô đen hiện nay sinh sống tập trung tại 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng). Với lịch sử phát triển của dân tộc, trong bề dày văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tâm linh của người Lô Lô đen vẫn tồn tại một số hủ tục cần loại bỏ. Tuy nhiên, lễ cúng sức khỏe mang những giá trị về văn hóa dân gian, tín ngưỡng, nghi lễ gắn với tập quán lao động và sinh hoạt, cần được nghiên cứu, gìn giữ và phát huy, góp phần thiết thực bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Lô Lô trong xã hội hiện đại.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm