Đặc sắc điệu múa bắt ba ba của người Dao Đỏ

Đặc sắc điệu múa bắt ba ba của người Dao Đỏ
Người Dao Đỏ không biết cụ thể điệu múa bắt ba ba độc đáo của dân tộc mình có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi lớn lên thì những nam thanh niên đã được cha, ông của mình truyền lại cho điệu múa này. Nhưng câu chuyện xung quanh sự ra đời của điệu múa bắt ba ba lại được kể với nhiều chi tiết không thống nhất, trong đó, câu chuyện được các thế hệ người Dao Đỏ kể nhiều nhất về nguồn gốc điệu múa bắt ba ba: Từ xa xưa, người Dao Đỏ đang đoàn kết, sinh sống yên vui, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà đầy đàn… thì bỗng một ngày xuất hiện một con rùa yêu quái đến quẫy nhiễu, phá hoại mùa màng, gieo rắc bệnh tật cho người và gia súc, gia cầm khiến mọi người hoang mang, lo sợ. Họ bèn kêu cứu lên Bàn Vương (Bàn Vương được đồng bào Dao coi là thủy tổ của các dòng họ của mình nên được cúng bái chung với tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình), thì được Bàn Vương báo mộng cho biết: Tất cả những tai họa người dân gặp phải đều do con rùa yêu quái gây ra nên phải tìm bắt và giết ngay lập tức thì người dân mới được sống những ngày tháng yên bình. Sau khi được báo mộng, người Dao Đỏ họp bàn nhau lại và thống nhất những người đàn ông, nam thanh niên đều phải đi tìm bắt bằng được con rùa yêu quái. Từ đó, điệu múa bắt ba ba được ra đời.
 
Tại nghi lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Cao Bằng, từ lễ cấp sắc bậc 2 trở lên thì múa điệu bắt ba ba là một trong các nghi thức quan trọng.
Tại nghi lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Cao Bằng, từ lễ cấp sắc bậc 2 trở lên thì múa điệu bắt ba ba là một trong các nghi thức quan trọng.

Điệu múa này do nhiều người đàn ông cùng lúc tham gia (mang tính tập thể cao). Khi múa bắt ba ba, cùng với những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Dao Đỏ kết hợp các động tác mô phỏng hành động theo các bước bắt ba ba trong các chuyển động đội hình khi ngang, khi chéo, khi đan xen một cách khéo léo, nhuần nhị kết hợp với các nhạc cụ truyền thống: tiếng trống, tiếng chiêng, khèn “phằn tỵ”… với tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, lúc dồn dập… hòa với những lời hát do thầy cúng nên rất sinh động, đẹp mắt.

Theo ông Triệu Kiểm Pu, dân tộc Dao Đỏ, xóm Lũng Chang, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) - người am hiểu về văn hóa truyền thống Dao Đỏ, múa bắt ba ba được diễn xướng trong những dịp lễ, như: Cầu mùa, lễ Bàn Vương, cấp sắc… với các bước cơ bản của điệu múa, gồm: Shuốt tổ (xuất phát); diện tổ (cuốn vòng vây để bắt rùa); dồng tổ (chọc cây vào hang để xua con rùa ra); schó tổ (bắt rùa); nghĩa tổ (đưa rùa về nhà); pái tổ (đặt rùa lên bàn để cân); schún tổ (xâu thịt rùa); píu tổ (chia thịt rùa). Đặc biệt, trong lễ cấp sắc không phải cấp nào cũng được múa bắt ba ba khi tổ chức nghi lễ mà có quy định rất cụ thể: Trong nghi lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc. Bậc đầu tiên, được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc 2 họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cao nhất là 12 đèn và 120 binh mã. Từ nghi lễ cấp sắc bậc 2 trở lên mới được múa điệu bắt ba ba là một trong các nghi thức của buổi lễ. Đồng thời, điệu múa với ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh em, họ hàng, dân bản, cầu mong mùa màng bội thu, đời sống đủ đầy, qua đó, để cho con cháu biết về nguồn gốc của mình, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm