Ché trong đời sống của người Ê Đê

Ché trong đời sống của người Ê Đê
Du khách tham quan triển lãm, nghiên cứu về ché. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Du khách tham quan triển lãm, nghiên cứu về ché. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Theo bà Hoàng Thị Nhật, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, dân tộc Ê Đê là một trong ba tộc người tại chỗ ở Đắk Lắk, có vốn văn hóa truyền thống xuất phát từ lịch sử phát triển của nền văn minh nương rẫy như: Luật tục, sử thi, hát dân ca, múa chim… gắn với các lễ nghi, lễ hội theo nông lịch, theo vòng đời hoặc theo các mối quan hệ xã hội. Trong quá trình thực hành các lễ nghi, một hiện vật không thể thiếu của người Ê Đê đó là những chiếc vò được làm bằng các loại gốm, gọi là ché. Ché dùng để ủ rượu từ men lá, củ, quả của rừng, uống bằng cần, nói cách khác, ché dùng để đựng rượu cần.

Theo quan niệm của người Ê Đê, các vị Yang (các vị thần) trú ngụ khắp mọi nơi, trong mỗi chiếc ché đều có một linh hồn. Do đó, ché không đơn thuần chỉ là hiện vật mà còn mang tính linh thiêng. Bên cạnh đó, ché có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội của người Ê Đê, là vật dụng góp phần gắn kết cộng đồng, dòng họ, cùng sẻ chia niềm vui nỗi buồn, nhắn nhủ, giao kết duyên phận gái trai…

Một số ché được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
 
Một số ché được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
Một số ché được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Triển lãm được tổ chức nhằm giới thiệu đến người dân và du khách bộ sưu tập Ché của người Ê Đê đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk; qua đó giúp du khách hiểu rõ hơn về đời sống, phong tục, tập quán sử dụng ché của người Ê Đê, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê tại Đắk Lắk.

Triển lãm diễn ra từ ngày 28/12/2018 đến ngày 20/2/2019, chia làm 4 phần với 38 chiếc ché, 57 hình ảnh và 1 phim được trưng bày, giới thiệu. Phần 1 của Triển lãm giới thiệu về chiếc Ché và vai trò, vị trí, công dụng của Ché đối với người Ê Đê. Phần 2 giới thiệu về rượu cần ngày nay – đặc sản vùng Tây Nguyên. Phần 3 trưng bày sách về văn hóa Tây Nguyên. Phần 4 tái hiện nghi lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê kết hợp trải nghiệm. Từ ngày 5/2 – 8/2/2019 (tức ngày mùng 1 – mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), du khách đến triển lãm sẽ được đeo vòng đồng may mắn và thưởng thức rượu cần.
Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm