Bảo tồn chữ viết Nôm - Dao: Mỗi nơi một cách làm

Bảo tồn chữ viết Nôm - Dao: Mỗi nơi một cách làm
Chữ “Nôm Dao” đang bị mai một

Theo hồ sơ di sản, tư liệu của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ xa xưa, dân tộc Dao đã dùng chữ Hán để làm ngôn ngữ viết. Khi sử dụng, người Dao đã “Nôm hóa” thành tiếng Dao để dùng trong cúng bái, thơ ca và văn tự. Ông Lý Hữu Vượng ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là một trong những người đọc thông, viết thạo chữ của người Dao cho biết, tổ tiên của người Dao xưa đã biết sử dụng chữ viết để ghi chép lại các văn tự quan trọng như chia tài sản của bố mẹ cho con cháu, văn tự mua, bán ruộng nương, nhận con nuôi, gia phả trong dòng họ. Đặc biệt chữ viết của người Dao còn được dùng phổ biến trong các lễ hội như lễ cấp sắc, tết nhảy và tục treo tranh.

Xưa kia, để bảo tồn chữ viết của dân tộc mình, các gia đình, dòng họ người Dao thường tổ chức truyền dạy chữ Hán - Nôm cho con cháu vào dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng là dịp để tuyên dương việc học chữ, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề và học làm người. Tiếc rằng, truyền thống đó không còn được người Dao duy trì cho đến hôm nay.
Lớp học chữ Nôm - Dao (Ảnh: Quang Luận).
Lớp học chữ Nôm - Dao (Ảnh: Quang Luận).

Gần đây, trong một báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước”, tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang, Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy dân tộc Dao hiện vẫn còn lưu truyền và sử dụng chữ viết của mình. Tuy nhiên, số người biết đọc và viết được chữ Dao chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các thầy mo, thầy cúng và một số các cụ cao tuổi trong dòng họ. Tại nhiều địa phương, dân tộc Dao sinh sống xen kẽ với các dân tộc khác, quá trình giao thoa văn hóa mạnh mẽ đã dẫn tới thực trạng trẻ em người Dao lớn lên không biết nói tiếng mẹ đẻ. Điều này đang trở thành rào cản lớn trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là việc bảo tồn những làn điệu dân ca, dân vũ, hát páo dung, hát giao duyên... của người Dao.

Bảo tồn cách nào?

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các dân tộc có điều kiện phát triển và tiến bộ nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và tại các trung tâm học tập cộng đồng thuộc 30 tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, báo in bằng chữ dân tộc đã được phát sóng, phát hành tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc bảo tồn và truyền dạy tiếng Dao vẫn chưa được triển khai trên bình diện rộng, chủ yếu vẫn do các thầy tào (thầy cúng) truyền lại cho các học trò của mình.
Các lớp học chữ Nôm - Dao chủ yếu được mở tại các bản làng, chưa được đưa vào trường học.
Các lớp học chữ Nôm - Dao chủ yếu được mở tại các bản làng, chưa được đưa vào trường học.

Tại một số địa phương như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Bắc Kạn... đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn chữ viết của dân tộc Dao. Tuy nhiên, những phương án bảo tồn vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có lộ trình dài hơi, khó triển khai, áp dụng rộng rãi cho tất cả các địa phương có người Dao sinh sống. Ví dụ như tỉnh Lào Cai đã triển khai dự án “Sưu tầm, biên soạn và thí điểm tổ chức một số lớp truyền dạy chữ Nôm - Dao cho thanh, thiếu niên dân tộc Dao”, do Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai làm chủ nhiệm. Trong 10 năm qua, Lào Cai đã tiến hành tổng kiểm kê kho sách cổ và nhu cầu học chữ nôm của người dân tộc Dao tại 468 thôn, bản thuộc 8/9 huyện, thành phố của tỉnh, để có phương án bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm trong cộng đồng người Dao. Đến nay, đã có hơn 20 lớp học chữ Nôm - Dao được mở tại các thôn, bản với trên 200 học viên tham gia.

Tỉnh Thanh Hóa đã biên soạn giáo trình “Bộ tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ Nôm - Dao” cho người Dao Thanh Hóa để đưa vào dạy tại các trung tâm học tập cộng đồng ở 3 huyện: Mường Lát, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Ở Bắc Kạn, có một lớp dạy chữ Nôm - Dao do ông Triệu Tiến Vinh ở bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Ðồn tự mở, thu hút khá đông học viên già, trẻ trong và ngoài địa phương tham gia theo học.
Các cuốn sách cổ bằng chữ viết Nôm - Dao chứa đựng cả kho tàng tri thức văn hóa của người Dao.
Các cuốn sách cổ bằng chữ viết Nôm - Dao chứa đựng cả kho tàng tri thức văn hóa của người Dao.

Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính nhất thời, khi hết dự án thì các lớp học cũng tự tan rã. Việc bảo tồn, truyền dạy chữ Nôm - Dao tại nhiều địa phương khó triển khai do chưa có một bộ giáo trình cụ thể, thống nhất. Được biết, năm 2016, Trung tâm Phát triển bền vững miền núi đã tổ chức Hội thảo bàn về “Phương pháp dạy, học và thống nhất bộ sách dạy, học chữ Nôm - Dao”, các nhà “Dao học” đã thống nhất bộ sách dạy và học chữ Nôm - Dao gồm 9 quyển. Tuy nhiên, đây là những cuốn sách chữ cổ nên rất khó áp dụng để giảng dạy trong nhà trường.

Để bảo tồn chữ viết của dân tộc Dao sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Dao gợi ý, giải pháp trước mắt sẽ phải biên soạn lại bộ giáo trình chữ Nôm - Dao; mở lớp bồi dưỡng cho những người thầy cúng “trí thức” Dao để thống nhất phương pháp, cách thức dạy và học chữ Nôm - Dao. Từ đó tăng cường mở lớp dạy và học cho cán bộ, công nhân viên chức hiểu biết thêm về chữ Nôm - Dao.
Theo Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm