50 năm giải phóng Quảng Trị - cùng chung khát vọng: Kiến thiết cuộc sống mới và vun đắp hòa bình (Kỳ 2)

Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Vùng đất Quảng Trị một thời hoa lửa đang vươn mình mạnh mẽ, đầy sức sống mới từ phát huy truyền thống cách mạng hào hùng và khát vọng vươn lên...

50 năm giải phóng Quảng Trị - cùng chung khát vọng: Kiến thiết cuộc sống mới và vun đắp hòa bình (Kỳ 2) ảnh 1Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

* Hồi sinh

Chiến tranh đi qua để lại 82% trên tổng diện tích đất ở Quảng Trị bị ô nhiễm bom mìn - cao nhất cả nước. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở nơi đây đã khiến hàng nghìn người thương vong và là trở ngại rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nhà cửa, làng mạc hoang tàn đổ nát, ruộng vườn đầy vết bom cày, đạn xới gây nên bao cảnh tang tóc, tàn phế và ô nhiễm môi trường. Cơ sở hạ tầng xuất phát điểm từ con số không.

Ông Nguyễn Minh Kỳ đã từng tham gia chỉ đạo và trực tiếp cầm quân chiến đấu trên tuyến Đường 9 - Nam Lào năm 1971, 9 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 1999 - 2004. Nhớ lại buổi đầu tái thiết xây dựng tỉnh, ông chia sẻ: Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Sau ngày non sông thống nhất, tỉnh thực hiện 5 nhiệm vụ mũi nhọn gồm ổn định tư tưởng chính trị cho người dân; hạn chế thiệt hại do bom đạn gây ra sau chiến tranh; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; bảo vệ thành quả của kháng chiến; xây dựng chính quyền từ cơ sở đến tỉnh.

Một trong những chính sách quan trọng để cụ thể hóa những nhiệm vụ này là thực hiện di dân từ vùng đồng bằng ven biển các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh đến huyện miền núi Hướng Hóa vốn là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh, để xây dựng kinh tế mới.

Nhớ lại những ngày đầu từ huyện Triệu Phong lên xã Tân Long, huyện Hướng Hóa để xây dựng kinh tế mới, ông Lê Đình Thụy, 75 tuổi cho biết: Nơi đến lập nghiệp là vùng “khỉ ho cò gáy”, chỉ duy nhất có “nghề” phát nương làm rẫy và vào rừng kiếm thức ăn qua ngày. Sau đó, đường giao thông được mở ra giúp kết nối vùng cao với đồng bằng, giao thương được thuận lợi. Nhờ đó, người dân đã chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang trồng thâm canh những cây cho giá trị cao như: cao su, hồ tiêu, cà phê, sắn, chuối, tràm. Vùng “khỉ ho cò gáy” rộng lớn dần thành miền đất hứa, thu hút ngày càng nhiều người dân đến định cư và sản xuất.

Chính sách di dân đã giải được bài toán cho vùng miền núi và gò đồi rộng lớn, nhiều tiềm năng nhưng lại không có người khai thác sau chiến tranh. Chính sách này là tiền đề cho việc phát triển vùng chuyên canh trồng giá trị cao và là nguồn nguyên liệu chế biến, xuất khẩu chủ lực ở Quảng Trị. Đó là những vùng chuyên canh các loại cây: Cao su khoảng 19.000 ha, hồ tiêu 2.500 ha, cà phê gần 5.000 ha, sắn trên 11.000 ha, rừng trồng trên 110.000 ha. Giá trị cao từ những cây trồng này mang lại đã và đang giúp hàng chục nghìn hộ dân thoát đói, giảm nghèo và vươn làm giàu; đồng thời làm hồi sinh những vùng “đất chết” do chiến tranh.

Sau những ngày giải phóng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng được tỉnh ưu tiên thực hiện. Khởi công vào đầu năm 1978 và hoàn thành năm 1981, Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn bảo đảm tưới tiêu cho gần 15.000 ha đất nông nghiệp của huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

Ông Võ Văn Dũng, 65 tuổi, huyện Triệu Phong nhớ lại: Quảng Trị có khí hậu khắc nghiệt, nhất là khô hạn vào mùa hè. Do đó, Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn được xây dựng giúp người nông dân tự chủ được nguồn nước tưới; qua đó mở rộng diện tích và tăng năng suất lúa để đảm bảo lương thực những năm sau chiến tranh.

Đường 9 nay là Quốc lộ 9 hay Hành lang Kinh tế Đông – Tây cũng được ưu tiên nâng cấp, mở rộng để thông thương với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan. Đây là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh, dần trở thành trục chính của Quảng Trị theo hướng Đông – Tây dài gần 100 km tạo động lực cho phát triển kinh tế, thương mại. Dọc hai bên tuyến đường này là những cánh đồng trù phú, khu dân cư đông đúc, đô thị khang trang hiện đại, cùng với nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, trung tâm thương mại và điểm du lịch hấp dẫn.

Hướng đi đúng và những chủ trương, chính sách hợp lý ngay sau giải phóng đã đưa Quảng Trị vượt qua vô vàn gian khó, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu và hội nhập, phát triển. Những năm qua, sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân trên 15%. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: Dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng gần 40 lần so với năm 1989.

Đặc biệt tỉnh đã và đang thành công trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trọng điểm về điện gió, điện mặt trời, điện khí, cảng biển, sân bay, khu đô thị, hạ tầng giao thông như các tập đoàn: T&T, Vingroup, Big C, Bitexco Group, Liên doanh VSIP - Amata-Sumitomo. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo cùng 5 khu công nghiệp: Tây Bắc Hồ Xá, Quán Ngang, Nam Đông Hà, Triệu Phú và Khu công nghiệp Quảng Trị đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hiện tỉnh có gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động. Năm 2021, tổng thu ngân sách đạt trên 5.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 57,5 triệu đồng, an sinh xã hội được đảm bảo.

50 năm giải phóng Quảng Trị - cùng chung khát vọng: Kiến thiết cuộc sống mới và vun đắp hòa bình (Kỳ 2) ảnh 2Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị trở thành điểm đến và là biểu tượng của khát vọng hòa bình. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

* Vun đắp nghĩa tình

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, đây là nơi yên nghỉ của gần 60.000 liệt sỹ từ 52 tỉnh, thành trong cả nước; trong đó có hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Cùng với hệ thống gần 500 di tích lịch sử cách mạng, tỉnh như một bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam - nơi ghi dấu ấn đau thương và hào hùng, khát vọng cháy bỏng về hòa bình và thống nhất non sông.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của trên 11.000 liệt sỹ. Nơi đây ngày ngày làn khói hương vẫn quyện vào nhau, thơm ngát trên những phần mộ liệt sỹ, cùng với tiếng chuông thỉnh liên hồi vang vọng khắp nghĩa trang này. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 có hơn 10.000 liệt sỹ đang yên nghỉ. Tại nghĩa trang này, mỗi khi có đoàn khách đến viếng, từng đàn chim bồ câu trắng - biểu tượng cho hòa bình, lại tung cánh tự do bay lượn như thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của người Việt Nam.

Hệ thống các di tích quốc gia đặc biệt như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; cùng với những địa danh: Đường 9 – Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo – Sân bay Tà Cơn – đồi Động Tri, Căn cứ Dốc Miếu đã gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Do vậy đến với vùng “đất lửa” Quảng Trị là đến với ký ức chiến tranh – khát vọng hòa bình; đến với vùng đất tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết: Địa phương có số lượng thương binh, liệt sỹ và người có công chiếm đến trên 19% so với tổng dân số toàn tỉnh. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đặc biệt quan tâm đến công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công với cách mạng thể hiện tính nhân văn, sự tri ân sâu sắc; xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, ưu tiên dành mọi nguồn lực để chăm lo về đời sống, vật chất đối với người có công.

50 năm giải phóng Quảng Trị - cùng chung khát vọng: Kiến thiết cuộc sống mới và vun đắp hòa bình (Kỳ 2) ảnh 3Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (01/5/1972 - 01/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiều 28/4/2022, tại thành phố Đông Hà, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề, triển lãm ảnh “Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi”. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

* Tôn vinh giá trị hòa bình

Vào tháng 7/2022, tỉnh dự kiến tổ chức Festival Vì hòa bình lần đầu tiên với không gian chính ở Thành cổ Quảng Trị. Mùa hè năm 1972 cuộc chiến đấu suốt 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào sử sách của dân tộc và thế giới. Thành cổ Quảng Trị chỉ vẻn vẹn 6 km2 đã hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn các loại của Mỹ (tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã từng thả xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945 trong Thế chiến thứ II).

Festival Vì hòa bình cũng mở rộng không gian ra các nghĩa trang liệt sỹ và di tích lịch sử cách mạng nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng; đồng thời thể hiện khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình. Với định kỳ hai năm một lần, thông điệp Festival Vì Hòa bình nhắn gửi là tôn vinh giá trị của hòa bình; kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại; đồng thời xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, Quảng Trị là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Khát vọng hòa bình hôm nay và mai sau cũng chính là nói lên tâm nguyện của hàng chục nghìn anh linh liệt sỹ, các nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Festival Vì hòa bình nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, đồng thời chuyển tải thông điệp của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. (Còn tiếp)

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm