47 năm thống nhất đất nước: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, Bình Định

47 năm thống nhất đất nước: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, Bình Định

Tối 17/4, tại Quảng trường 19/4, thị trấn Tăng Bạt Hổ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19/4/1972 – 19/4/2022). Dự Lễ kỷ niệm có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các cựu binh Sư đoàn 3 Sao Vàng và đông đảo đồng bào tỉnh Bình Định.

47 năm thống nhất đất nước: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, Bình Định ảnh 1Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoa cho lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân. Ảnh: Kha Phạm – TTXVN

Hoài Ân là một trong 2 huyện của miền Nam được hoàn toàn giải phóng sớm hơn 3 năm trước cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trải qua suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Hoài Ân luôn là vùng đất kiên trung, bất khuất, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Ôn lại truyền thống hào hùng của dân và quân Hoài Ân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nêu rõ: Trong lịch sử, Hoài Ân là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Chàng Lía ở thế kỷ XVIII; là địa bàn hoạt động của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống Pháp (1885 - 1887); quê hương của chí sĩ Tăng Bạt Hổ - một trong những lãnh tụ của phong trào Cần Vương ở Bình Định. Hoài Ân là địa phương có phong trào cách mạng rất sớm, Chi bộ Vạn Đức được thành lập vào tháng 7/1931, là một trong những Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hoài Ân.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là nơi đóng cơ quan của Liên Khu ủy V và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, là hậu cứ vững chắc của phong trào kháng chiến của Đông Bắc Gia Lai - Kon Tum. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Ân là “chảo lửa” của chiến trường trọng điểm Khu V, căn cứ địa vững chắc của tỉnh Bình Định. Đặc biệt, Hoài Ân là nơi thành lập, nuôi dưỡng và trưởng thành của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng với nhiều chiến công oanh liệt, đánh bại nhiều đơn vị sừng sỏ của Mỹ - Ngụy.

47 năm thống nhất đất nước: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, Bình Định ảnh 2Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân. Ảnh: Kha Phạm – TTXVN

Vào những ngày này cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và dân huyện Hoài Ân phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng liên tục tấn công và nổi dậy giải phóng huyện nhà, 11 giờ ngày 19/4/1972, lá cờ chiến thắng của quân và dân huyện Hoài Ân đã phấp phới tung bay trên nóc Chi khu quận lỵ Hoài Ân của Ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử cách mạng của địa phương và Khu V: huyện Hoài Ân hoàn toàn giải phóng.

Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Hè 1972 mà đỉnh cao là Chiến thắng Hoài Ân đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân trong tỉnh nói riêng và Khu V nói chung. Chiến thắng này đã tạo căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng, làm bàn đạp giải phóng các vùng lân cận, mở ra vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng Trung Trung bộ, nối liền Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tạo ra thế và lực góp phần tạo nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng tỉnh Bình Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Chiến thắng Hoài Ân năm 1972 là kết quả của cả một quá trình chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, là kết quả của sự hy sinh xương máu và sự đóng góp công sức to lớn của đồng bào, chiến sĩ trong huyện và của những người con từ khắp mọi miền đất nước đã từng nếm mật, nằm gai chiến đấu, công tác trên mảnh đất Hoài Ân trung dũng kiên cường; là sự vận dụng một cách nhuần nhuyễn sáng tạo phương châm “2 chân 3 mũi giáp công” của quân và dân trong huyện cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, từ ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân đang viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã đạt được, ra sức lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hoài Ân đã tiến từng bước vững chắc để sau 50 năm giải phóng, kinh tế của huyện không ngừng phát triển. Trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 11%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,32%. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đặc biệt, điểm sáng của huyện là đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhiều sản phẩm thế mạnh của huyện từng bước khẳng định được giá trị, thương hiệu trên thị trường như: “Trà Gò Loi”, “Bưởi da xanh”, “Heo Hoài Ân”, “Dừa xiêm”, “Gà ta thả vườn”…, cùng với những thành quả trong công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đã cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân đạt được là minh chứng về sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

47 năm thống nhất đất nước: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, Bình Định ảnh 3Ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Kha Phạm – TTXVN

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Với những chiến công và thành tích xuất sắc đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Hoài Ân vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Hoài Ân đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Trong thời gian tới, trước những biến động to lớn, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tỉnh Bình Định đứng trước nhiều cơ hội, vận hội xen lẫn với không ít khó khăn, thách thức. Để xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của quê hương, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, chúng ta tự hào về những chiến công oanh liệt và truyền thống vẻ vang của quân và dân ta, chúng ta nguyện sẽ quyết tâm gìn giữ và phát huy mạnh mẽ truyền thống quý báu đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, viết tiếp trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân.

Kha Phạm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm