40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ước vọng xanh trên miền đá lạnh (Bài cuối)

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ước vọng xanh trên miền đá lạnh (Bài cuối)
Bài 3 (Bài cuối): Chung sức “hồi sinh” những vùng đất chết

Câu chuyện về những nạn nhân của bom, mìn trên địa bàn huyện Vị Xuyên (Hà Giang) nói riêng và 6 tỉnh biên giới phía Bắc nói chung vẫn chưa thể chấm dứt trong nay mai. Công tác rà phá bom, mìn sẽ còn phải triển khai trong nhiều năm tới... Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng nhiều phương án nhằm hạn chế tai nạn xảy ra đối với người dân và nỗ lực giúp họ ổn định cuộc sống.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), có 1.782 anh hùng liệt sỹ và một mộ tập thể, trong đó có hơn 1.500 liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), có 1.782 anh hùng liệt sỹ và một mộ tập thể, trong đó có hơn 1.500 liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Nâng cao nhận thức của người dân

Hàng trăm nạn nhân trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, đều trả lời rằng, bên cạnh sự rủi ro, việc thiếu kiến thức cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Từng liều lĩnh cưa hàng chục quả bom bi, đạn pháo để lấy thuốc nổ đem bán, anh Nguyễn Văn Hường (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên) thừa nhận, anh không tưởng tượng được sự nguy hiểm khi thứ vũ khí đó phát nổ. Những năm gần đây, số lượng nạn nhân bom mìn ngày càng ít đi không phải do địa bàn bị ô nhiễm giảm được nhiều, mà nhận thức của người dân đã được nâng cao. Đó là do công tác tuyên truyền của địa phương được đẩy mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khẳng định, biện pháp trước mắt là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu được tác hại khủng khiếp của bom mìn, tuyệt đối tránh xa những khu vực đã đặt biển cảnh báo của lực lượng chức năng. Về quy mô tuyên truyền, ông Vinh cho biết đã chỉ đạo các địa phương, nhất là khu vực bị nhiễm bom, mìn triển khai một cách sâu rộng trong các phiên chợ, trường học... Ông Triệu Tài Vinh cũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều dự án giúp người dân Hà Giang như: Chương trình tái định cư 120; hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật chăm nuôi thông qua Đoàn Kinh tế Quốc phòng 313 đóng trên địa bàn; phối hợp với Quân khu 2 tổ chức rà phá bom mìn, trả lại mặt bằng cho người dân...

Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó Trưởng đoàn Kinh tế Quốc phòng 313 (đóng quân trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên) cho biết, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nhân dân về mặt kinh tế, kỹ thuật trong canh tác, Đoàn Kinh tế vẫn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho bà con nhận thức được tác hại to lớn của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo Thượng tá Lê Văn Thắng, nhận thức của người dân còn hạn chế nên cần tuyên truyền thường xuyên tại các phiên chợ, trường học, gia đình... Chính quyền địa phương nên tổ chức cho người dân ký cam kết không rủ nhau đi tìm kiếm bom, mìn, không tự ý vào những khu vực mà quân đội đã treo biển cảnh báo để hạn chế tối đa tình trạng tai nạn xảy ra.

Tăng cường rà phá bom mìn

Công tác rà phá bom mìn, vật nổ đã được ngành chức năng tỉnh Hà Giang nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Từ năm 1988 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã hợp tác với các đơn vị công binh chuyên trách tiến hành rà phá được gần 5.000 ha đất canh tác. Nhiều vùng đất “chết” nay đã hồi sinh, người dân có thêm đất đai để sản xuất. Gần đây nhất, cán bộ chiến sĩ Đại đội công binh, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, đã xử lý an toàn gần 10.200 đầu đạn các loại, giải phóng 3 ha đất ở thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, bàn giao lại cho nhân dân canh tác.

Kết quả trên là nỗ lực rất lớn của lực lượng chức năng, nhưng vẫn là quá ít so với thực tế. Việc giải phóng mặt bằng, đem lại đồi nương, ruộng lúa sạch cho người dân trở thành vấn đề vô cùng nan giải.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, diện tích đất bị nhiễm bom, mìn trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều, tỷ lệ được làm sạch vẫn còn quá ít, tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Dù lực lượng chức năng của tỉnh đã rất nỗ lực trong công tác rà phá bom, mìn, nhưng chỉ vọn vẹn có một Đại đội công binh không thể đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, một năm, tỉnh Hà Giang chỉ được cấp kinh phí để rà phá 200 ha là quá hạn hẹp so với nhu cầu thực tế.

Tỉnh Hà Giang hiện còn hơn khoảng 85 nghìn ha đất bị nhiễm bom, mìn. Theo tiến độ như vậy, không biết đến bao giờ người dân sống trong vùng bị ô nhiễm mới có đất an toàn để sản xuất.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, để công tác rà phá bom, mìn đạt hiệu quả cao, Nhà nước cần tăng thêm nguồn kinh phí và tăng cường sự giúp đỡ của Quân khu 2 về mặt nhân lực, thậm chí rất cần sự hỗ trợ của các Quân khu khác để hoạt động này đạt hiệu quả cao. Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng cho biết, hiện Hà Giang đã thành lập một đội lâm thời cấp tỉnh theo chỉ đạo của Quân khu 2, chuyên rà phá, gắn với quy tập hài cốt liệt sỹ và coi đó là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách vừa lâu dài...

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) Nguyễn Văn Nghiệp cho hay, cơ quan này đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác rà phá bom, mìn tại Việt Nam. Gần đây, Trung tâm đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tập huấn cơ bản về hành động bom mìn cho 230 cán bộ thuộc các lực lượng quân sự của Bộ Quốc phòng. Đây là hoạt động tăng cường năng lực đầu tiên trong khuôn Dự án “Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”. Khóa tập huấn giúp cán bộ, chiến sỹ học hỏi các cách tiếp cận mới, các bài học thành công của quốc tế và áp dụng vào công tác hành động bom mìn ở Việt Nam.

Thông qua dự án, năng lực quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ được nâng cao. Nạn nhân bom mìn sẽ được hỗ trợ kịp thời để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời giúp nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân.

Hỗ trợ nạn nhân bom mìn

Một tin vui đối với các nạn nhân bom, mìn sau chiến tranh trên cả nước, đó là ngày 1/2/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh với nhiều giải pháp. Trong đó, các nạn nhân sẽ được Nhà nước hỗ trợ y tế ban đầu, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm và bảo trợ xã hội; được hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; được hỗ trợ sinh kế và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội…

Đặc biệt, con của nạn nhân bom, mìn, vật nổ là trẻ em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ học bổng, kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bom mìn sau chiến tranh cũng được hưởng các quyền lợi của người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ tái định cư và phát triển kinh tế cho dân cư thuộc khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh.

Trong buổi làm việc với tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định, trong thời gian tới, Trung ương Hội Chữ thập đỏ sẽ có sự kết nối với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế để tạo điều kiện giúp đỡ những đối tượng bị ảnh hưởng bom mìn trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh Hà Giang, góp phần giảm đi những thiệt thòi, mất mát mà họ đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua...

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, nhưng hậu quả để lại vẫn vô cùng nặng nề mà người dân vùng giáp biên phải gánh chịu. Để công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh đạt hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, tiếp tục cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cũng như những hành động chung tay, góp sức của toàn xã hội....
Đỗ Bình

Có thể bạn quan tâm