360 ngàn hộ thiếu đất sản xuất và đất ở

360 ngàn hộ thiếu đất sản xuất và đất ở

Gia đình chị Sùng Thị Thể, dân tộc Mông, ở bản Suối Thầu A, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, một trong số 6 ngàn hộ thiếu đất sản xuất ở tỉnh Lai Châu, chưa bao giờ thoát được cảnh nghèo khó. Ngoài ngôi nhà gỗ, 1 con trâu, nhiều năm qua, gia đình chị không mua sắm được vật dụng gì đáng giá. Không có đất sản xuất, đất đai ở Suối Thầu chủ yếu là đá và đất sít, lại thiếu nước nên không có điều kiện khai hoang ruộng nước.

Cả năm, hai vợ chồng hết vào rừng chặt củi lại đi làm nương thuê mà vẫn không kiếm đủ cái ăn. Người phụ nữ này luôn lo lắng tìm kế sinh nhai hàng ngày:

-Nhà không có đất sản xuất thì mình ở nhà chăm con và chăn nuôi con trâu Nhà nước cho thôi. Còn chồng thì đi làm thuê. Làm thuê thì cũng không đủ tiền, năm nào cũng có mấy tháng thiếu ăn, Nhà nước phải hỗ trợ.

    360 ngàn hộ thiếu đất sản xuất và đất ở ảnh 1

Thiếu đất sản xuất, dân phá rừng làm rẫy. Ảnh minh họa: Dantri.com

Địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều đá hơn đất, nên đất sản xuất là mơ ước với nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. Để giải quyết đất sản xuất cho 6 nghìn hộ,  tỉnh Lai châu cần có quỹ đất 2000 ha.

 

Còn ở các tỉnh Tây Nguyên: Theo thống kê, toàn vùng hiện còn gần 32.000 hộ thiếu đất sản xuất với tổng diện tích gần 20.000 ha. Trong đó, tỉnh Gia Lai là nóng bỏng nhất, với gần 10.000 hộ thiếu đất sản xuất. Lấy đất sản xuất xây dựng các công trình thủy điện, cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu đất.

 

Gia đình ông Đinh Grươm, dân tộc Ba Na, là một trong hơn 90 hộ dân ở làng Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang, phải nhường đất để xây dựng thủy điện An Khê – Ka Nak. Hơn 3ha rẫy sản xuất ổn định lâu năm của gia đình ông nay đã ngập trong lòng hồ Ka Nak. Ban quản lý thủy điện 7 (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam) có cam kết đền bù thỏa đáng, nhưng đến nay, gia đình ông vẫn chưa nhận được đúng như cam kết. Ông yêu cầu: “Bà con mình bây giờ quá khó khăn, thiếu thốn, nương rẫy không có. Nhà nước phải chuyển mình chỗ khác mới được”.

                           
Liên kết trồng rừng ở Krông Bông đã góp phần giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS.

Liên kết trồng rừng ở Krông Bông đã góp phần giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Ảnh: báo Đak Lak.

Trong khi chờ đợi được giải quyết đất sản xuất hợp pháp, bà con nhiều nơi đã “nhắm mắt làm liều”, phá rừng phòng hộ, rừng thuộc các đơn vị nhà nước quản lý để lấy đất bất hợp pháp canh tác. Anh Y Phối, dân tộc Ê Đê, ở buôn Hàng Năm, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc, cho biết: vì đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn, cơ chế hưởng lợi cho cộng đồng lại không cụ thể nên không khuyến khích được người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm. Nhiều hộ tham gia quản lý bảo vệ rừng, nhưng vì đói nghèo, thiếu đất sản xuất, nên đã phát rừng làm rẫy. 

Các nông lâm trường quốc doanh hiện đang giữ hơn 4 triệu ha đất. Trong số này, khá nhiều diện tích hoang hóa hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, trong khi người dân tộc thiểu số ở ngay sát nông - lâm trường lại không có đất để canh tác. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Nam cho biết: Bộ đã ban hành Thông tư 02 và hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án đổi mới các nông lâm trường quốc doanh.

 

Với những địa phương không còn đất để giải quyết cho đồng bào sản xuất nhưng quỹ đất lâm nghiệp còn nhiều thì Bộ Nông nghiệp đang đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, khoán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đa phần các địa phương chọn giải pháp hỗ trợ cho các hộ thiếu đất sản xuất như: trợ cấp gạo, hỗ trợ con giống và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, số lượng con giống được hỗ trợ không nhiều và không phải gia đình nào cũng biết cách nuôi để nhân giống. Làm việc tại các hợp tác xã, doanh nghiệp lại theo thời vụ, thu nhập thấp. 

Theo ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thì cần các giải pháp căn cơ hơn như thay đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm phi nông nghiệp, dạy nghề, xuất khẩu lao động...

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm