100 năm Ngày sinh nhà thơ Vũ Cao (18/2/1922-18/2/2022): Một đời thơ, đời người trọn vẹn

100 năm Ngày sinh nhà thơ Vũ Cao (18/2/1922-18/2/2022): Một đời thơ, đời người trọn vẹn

Sinh thời, nhà thơ Vũ Cao đã viết hết sức giản dị và chân thành những quan điểm của mình về văn chương: "những gì tôi viết ra là rút từ cuộc sống của bộ đội, của nhân dân, từ cuộc sống để trở lại cuộc sống”. Ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời khiêm nhường và cống hiến hết mình cho thi ca, cho nhân dân, cho đất nước. Trong đó, bài thơ “Núi Đôi” của ông đã trở thành một biểu tượng đẹp, hào hùng và vĩnh hằng của nền thơ ca cách mạng Việt Nam.

Những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng

Nhà thơ Vũ Cao sinh ngày 18/2/1922 tại Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1946 và gắn liền cuộc đời binh nghiệp của mình với báo chí quân đội, từ Báo Quân đội nhân dân đến Tạp chí Văn nghệ quân đội, từ công việc của một phóng viên đến chức trách của một tổng biên tập.

Khi xuất ngũ, ông làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ (Hội Nhà văn Việt Nam). Nhưng với Vũ Cao, các chức trách phải gánh hình như không làm ông bận tâm. Điều ông muốn là được sống thật lòng mình với đời, với người.

Thơ đến với ông những khi cảm xúc được chắt lọc và thăng hoa, ông muốn trải lòng mình với con người và cảnh vật trong những vần thơ nhẹ nhàng, giàu nhạc điệu và tình cảm. Vũ Cao viết không nhiều, nhưng hầu hết tác phẩm của ông viết về đề tài chiến tranh - đề tài gần gũi, gắn bó với ông gần hết cuộc đời, trong tư cách một người lính.

Thơ Vũ Cao thì giản dị, thâm trầm, nhẹ nhàng và rất quê, những nét bình thường trong hiện thực kháng chiến thời chống thực dân Pháp được Vũ Cao ghi lại bằng những câu thơ có dư vị: “Nghe tin bộ đội chờ đò/ Bờ sông, con máng tiếng hò dân công/ Lại nghe sông gió bập bùng/ Vẫn nghe tiếng súng bên vùng Vĩnh Yên/ Quán khuya thức giấc lên đèn/ Chờ tin, cánh liếp ngoài hiên hé chờ” (Ánh đuốc).

Một triết lý, với cách nghĩ của Vũ Cao, không có gì giản dị hơn, thiết thực hơn: “Ta đã từng đói no/ Nên quý từng hạt gạo/ Ta chịu rét nhiều lần/ Nên thương từng manh áo” (Ghi trên đường đi). Dưới con mắt Vũ Cao, Người gác cầu (kháng chiến chống Mỹ) có một cảm nhận thật tinh tế, đằm thắm: “Những chiếc xe từ bắc đi về xuôi/ Tiếng máy gọi nhau như thể tiếng người/ Khẩu pháo rẽ nghiêng, nòng còn ngoảnh lại/ Như cánh tay chào tạm biệt sông trôi…”.

 “Núi đôi” - bản tình ca đọng mãi

Nhắc đến Vũ Cao là nhắc tới “Núi Đôi” (sáng tác năm 1955) - một trong những bài thơ hay nhất viết về kháng chiến. Có khi người ta say sưa với “Núi Đôi” mà quên đi tác giả. Đó cũng là hạnh phúc của nhà thơ.

Bài thơ kể về một câu chuyện tình yêu giữa anh bộ đội ra chiến trường và cô du kích vùng địch hậu trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi đây có hai ngọn núi nằm cạnh nhau như núi vợ núi chồng, như chứng tích về một tình yêu đã đi vào huyền thoại thơ ca và lịch sử. Hơn nửa thế kỷ nay, bài thơ được in đi in lại hàng trăm lần; đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường; được dịch ra nhiều thứ tiếng và chuyển thể thành phim.

Suốt bài thơ, người con trai gọi “em” xưng “anh” như đang nói với người con gái ở quê hương:

Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục – Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới bữa anh sang

Tình yêu của họ không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng nó gắn bó với cánh đồng, với đồi núi của làng quê Xuân Dục – Đoài Đông.

Có những lần, khi đùa người con gái đã nghĩ đến hạnh phúc trăm năm:

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi đôi
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi Chồng, núi Vợ đứng song đôi

Tình yêu của họ gắn với tình yêu đất nước, quê hương. Cuối một mùa chiêm quân giặc đến, người con trai ra trận. Ngày ngừng bắn anh trở về thăm quê hương thì được tin người con gái đã ngã xuống bên mảnh đất này. Vũ Cao đã viết nên một bài thơ tình cảm động và sâu lắng, có mất mát đau thương nhưng không bi lụy của đôi lứa biết yêu nhau và yêu nước, biết quên mình vì nhau và vì nước.

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi: em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Anh đi bộ đội, sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm

Có lẽ chưa nhà thơ kháng chiến nào viết được bài thơ về liệt sĩ, về đồng đội, về người yêu và về người đồng chí chân tình đến thế, thiết tha đến thế. Cũng chưa ai gọi: em, đồng chí mà người nghe cảm thấy ngọt lành như Vũ Cao đã gọi trong bài thơ mình. Cái tình thật, không tô vẽ là những gì nhà thơ Vũ Cao mang ra đối đãi suốt cuộc đời làm văn nghệ của mình như ông từng tâm sự: “Người viết còn phải có trách nhiệm với câu chữ của mình và cần nhất là sự giản dị, trong sáng. Người viết cần có phong cách riêng, tính cách riêng, nhưng theo tôi không được tách ra khỏi cuộc sống nhân dân”.

Vũ Cao không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng với bài thơ tình yêu trong chiến tranh bất hủ, ông còn là cây bút văn xuôi chân chất, nhẹ nhàng và không ít hóm hỉnh đối với cả người đọc lớn tuổi và trẻ em, nổi bật là những tác phẩm: “Truyện một người bị bắt”, “Những người cùng làng”, “Em bé bên bờ sông Lai Vu”, “Anh em anh chàng Lược”, “Từ một trận địa”, "Một đoạn thơ sông Đà" ... Trong đó, “Một đoạn thơ sông Đà” viết năm 1965 là một truyện ngắn hay nhất của ông, đồng thời cũng là một trong không nhiều truyện ngắn viết về chiến tranh với một phong cách trữ tình, giàu chất thơ nhất. Với các tập “Đèo trúc”, “Núi Đôi”, “Từ một trận địa”… nhà thơ Vũ Cao đã được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Ngày 3/12/2007, nhà thơ Vũ Cao đã vào cõi vô cùng nhưng thơ thay ông ở lại với đời, kể tiếp câu chuyện tình “Núi Đôi” và gửi đến những đôi lứa ngày sau tấm lòng thơ yêu người của ông.

Diệp Ninh (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm