10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022): Bài học rút ra và giải pháp đột phá

10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022): Bài học rút ra và giải pháp đột phá

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham luận của một số bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị đã chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.

10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022): Bài học rút ra và giải pháp đột phá ảnh 1 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

Cần thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu

Đề xuất một số giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ngay sau Đại hội XIII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành các quy định, quy trình nhằm đảm bảo hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ với quy định của pháp luật. Từ đó cập nhật kịp thời các thay đổi, đúc rút từ thực tiễn, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu của cấp ủy để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ hàng năm với phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung kiểm tra, giám sát luôn chú trọng về phòng ngừa, nhắc nhở, tránh để xảy ra vi phạm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động tham mưu các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định về tăng cường trách nhiệm và đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những điểm nóng, những vấn đề bức xúc của xã hội. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 18 đoàn kiểm tra các dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Việc quản lý tài chính, tài sản công về đất đai, tài nguyên khoáng sản, việc thực hiện các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hoạt động tư pháp, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện trách nhiệm nêu gương về công tác cán bộ.

Trong quá trình kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra từ cấp cơ sở, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương và xử lý nghiêm, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; chỉ ra những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, kịp thời báo cáo, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp để chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Đây cũng là một nét mới của công tác kiểm tra, giám sát.

10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022): Bài học rút ra và giải pháp đột phá ảnh 2Đồng chí Trần Văn Rón, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa –TTXVN

Đồng chí Trần Văn Rón nhận định, tình hình vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi trong các vi phạm, nghiêm trọng hơn về mức độ, nguy cơ gia tăng về số lượng; các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng đang còn nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực đang nóng hiện nay như: Việc định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vì vậy các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa chữa, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán…

Đồng chí Trần Văn Rón cũng cho rằng, cần thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách và quản lý.

Việc phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan, đơn vị có liên quan như thanh tra, kiểm toán, điều tra tố tụng, các cơ quan có chức năng để giám định cũng cần chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Trong phát hiện, xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, về việc thu hồi, xử lý việc quản lý, sử dụng tiền vi phạm, cần có sự kiểm tra của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp nhằm thu hồi, trả lại cho ngân sách Nhà nước tài sản đã bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiêu cực.

Nhận thực rõ tầm quan trọng của việc phát hiện, xử lý án tham nhũng

Tham luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính về, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết XIII của Đảng, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên vào nền nếp, thường xuyên, thực chất, gắn với tiếp tục việc trình bày chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ của cán bộ, xem đây là cam kết chính trị đối với Đảng và nhân dân, là vinh dự của người cán bộ. "Chúng tôi thể hiện quan điểm dứt khoát rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải định vị lại bản thân một cách đầy đủ nhất về con đường mình đã chọn, từ đó tự quản bản thân theo tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Cùng với đó, các cấp, các ngành Thành phố Hồ Chí Minh triển khai có hiệu quả Kết luận 05 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các ý kiến kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các nội dung, ý kiến chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương về công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, lãnh đạo người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan nội chính phải giám sát, đôn đốc xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng của cán bộ cơ quan, đơn vị mình, chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chức năng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính trong công tác phòng, chống tham nhũng kinh tế, chức vụ, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm...

Ngoài ra, triển khai có hiệu quả tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự nhằm khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét với công tác giám định, định giá tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc. Phát huy hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác này thời gian tới, từ đó phát hiện, xử lý những kẽ hở, bất cập hiện nay.

Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, thời gian qua, lực lượng Công an đã chủ động phát hiện, phòng ngừa các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, góp phần kết quả đấu tranh tham nhũng, tiêu cực, ổn định xã hội.

10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022): Bài học rút ra và giải pháp đột phá ảnh 3Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa –TTXVN

Trong phạm vi, trách nhiệm của mình, Đảng ủy Công an Trung ương sẽ tiếp tục nhận thức sâu sắc, quán triệt thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt các nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục thực hiện tốt đồng thời cả công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong nội bộ và công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.”

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương kiến nghị 3 nhóm nhiệm vụ.

Theo đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, thực tiễn 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mặc dù rất đồng bộ, quyết liệt; tuy nhiên một số trường hợp chưa biết sợ. Do đó, Đảng ủy Công an Trung ương kiến nghị, trong kiểm tra, cần thống nhất cao về kiểm tra nhanh nhất những đơn vị trong cuộc kiểm tra và có kiểm tra lại, yêu cầu khắc phục những tồn tại mà cuộc kiểm tra chỉ ra để tránh việc có bất cứ chủ trương, chính sách nào của Nhà nước về phát triển kinh tế là lợi dụng để trục lợi. Từ hành vi nhỏ biến thành hành vi lớn, mất đi cán bộ.

Trong phòng, chống tham nhũng, khi đã nhận diện ra những nhóm luật pháp đang có sơ hở, tồn tại, cần tổ chức sơ kết, rà soát để chỉ ra nhóm pháp luật nào có yếu kém để người dân nhận diện và biết để tránh.

Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, đối với Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư để phục vụ xác thực định danh và chuyển đổi số tới năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Trong giai đoạn vừa qua, một số ứng dụng bước đầu đối với những dịch vụ công trực tuyến đã được đưa ra như nộp hồ sơ thi online tại nhà, làm hộ chiếu online, đăng ký xe máy cấp xã… Điều này giúp hạn chế tối đa việc người dân đi lại, người dân phải dùng nhiều giấy tờ. Đặc biệt, người dân ít phải tiếp xúc với người thực hiện công việc đó, sẽ hạn chế tối đa tham nhũng vặt. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Phương Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm