Gia Lai: Phát triển văn hóa đọc trong học sinh dân tộc thiểu số

Gia Lai: Phát triển văn hóa đọc trong học sinh dân tộc thiểu số
Củng cố hệ thống thư viện trường học

Giữa khoảng sân rợp bóng mát, các em học sinh dân tộc Bahnar Trường Tiểu học Kông Pla (xã Kông Pla, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đang say sưa, chăm chú đọc những quyển truyện tranh đầy màu sắc. Các em hứng thú chỉ cho nhau những con vật ngộ nghĩnh và những câu chuyện thú vị đang hiện ra trong từng trang sách. “Các em học sinh rất hứng thú với những buổi đọc sách, dù là trái buổi nhưng hiếm khi nào các em vắng mặt, kể cả những học sinh bị khuyết tật”-cô Dương Thị Trúc Hà-nhân viên phụ trách thư viện Trường Tiểu học Kông Pla cho biết.
 
Một buổi đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang).
Một buổi đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang).                                                                                                             

Hơn 1 tháng nay, thư viện Trường Tiểu học Kông Pla được khởi công xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn đóng góp của gia đình học sinh và tập thể giáo viên trong trường. Chiếc áo sờn vai của anh Đinh Bớt (làng Klôm) đã ướt đẫm mồ hôi nhưng anh vẫn miệt mài với công việc. Anh nói: “Con mình đang học lớp 4, cháu rất thích đọc truyện và thường mượn về đọc cho cả nhà nghe. Do đó, khi cô Hiệu trưởng nói phải xây thư viện để có chỗ cất giữ truyện và chỗ cho học sinh đọc sách, đọc truyện là mình ưng lắm. Công việc nhà thì nhiều nhưng mình vẫn tranh thủ ra đây phụ xây thư viện với các thầy cô”.

Thư viện Trường Tiểu học Kông Pla sẽ là thư viện trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số thứ 11 được khánh thành, đưa vào sử dụng trong năm học 2016-2017 trên địa bàn huyện Kbang( tỉnh Gia Lai). “Tất cả 11 thư viện đều được xây dựng dựa vào nguồn vốn xã hội hóa giáo dục. Chúng tôi chỉ đạo các trường tìm mọi cách để huy động sự tham gia của các bậc phụ huynh. Nhờ đó, trong năm học này, nhiều thư viện được xây dựng khang trang, rộng rãi, đẹp mắt. Nhiều thư viện trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục-Đào tạo như: Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong), Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang)...”-ông Nguyễn Tiến Bình-chuyên viên Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang cho biết.
 
Năm học 2016-2017, huyện có 14/19 thư viện ở bậc tiểu học được đưa vào hoạt động, 100% điểm trường có thư viện góc lớp. Hoạt động thư viện thường xuyên được đẩy mạnh để giúp học sinh tiếp cận với sách. Đặc biệt, năm học này, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện đã tiếp nhận khoảng 100 triệu đồng tiền truyện tranh từ các tổ chức, cá nhân nhưng nguồn truyện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thay đổi truyện thường xuyên tại các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang
 
Nhiều cách làm hay
 
Ông Nguyễn Tiến Bình cho biết thêm: “Cách đây chỉ vài năm, việc học sinh dân tộc Bahnar cầm quyển truyện lên xem thôi chứ không cần đọc là chuyện trong mơ của chúng tôi. Các em không có khái niệm thế nào là đọc sách, ngoài những chữ cái trong sách giáo khoa. Nhưng đến nay đã có hơn 80% các em này có nhu cầu về đọc. Các em tự giác tìm đến sách, mượn sách về nhà và biết giữ gìn sách cẩn thận”.

Giữa không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên của thư viện ngoài trời Trường Tiểu học Đê Bar (xã Tơ Tung), em Đinh Thị Loang (học sinh lớp 5B) đang kể lại cho các bạn nghe câu chuyện “Cuộc thi hát của các loài thú”, “Khỉ con lễ phép”, “Biển thật lạ lẫm”, “Điều ước của nàng Ly”... Đây là một trong những cách làm hay để khuyến khích việc đọc của học sinh tại Trường Tiểu học Đê Bar. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi thi kể chuyện, xếp hình theo tên truyện, kể chuyện theo tranh... để các em hứng thú hơn trong những buổi đọc sách”-cô Lưu Thị Tình-Hiệu trưởng nhà trường nói.

Đến thăm điểm trường làng Klôm của Trường Tiểu học Kông Pla, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi có rất nhiều học sinh dân tộc Bahnar chỉ mới lớp 2 đã có thể đọc nhanh, rõ ràng, rành mạch hàng chục cuốn truyện tranh. Em Đinh Y Nguyên (lớp 2B) là một trong những nhân tố tích cực đó và em đang làm một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là kèm cho một bạn đọc yếu hơn trong lớp. Với cách làm này, Trường Tiểu học Kông Pla đang phát huy tốt phương châm giáo dục “Học thầy không tày học bạn”.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm