Xuất khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh

Xuất khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng chủ yếu là gạo, rau quả và thủy sản chiếm từ 75-80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Kim ngạch nhập khẩu đạt 3,18 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ, các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị phụ tùng máy móc. 

Một cơ sở chế biến hàng thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL Ảnh: TTXVN
Một cơ sở chế biến hàng thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL Ảnh: TTXVN

Nhận định từ các chuyên gia kinh tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung trong 6 tháng đầu năm có mức kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng cao, trên 40%, sau đó là thủy sản tăng 14%. Riêng đối với mặt hàng gạo có khối lượng và giá trị xuất khẩu tương đương với cùng kỳ, thị trường xuất khẩu gạo tập trung chủ yếu là Trung Quốc chiếm gần 50% thị phần... 

Tuy nhiên, do hàng hóa xuất khẩu chủ lực của vùng là nông sản, thủy sản đang phải cạnh tranh rất quyết liệt với các nước trong khu vực (như gạo) và bị ảnh hưởng bởi các rào cản kỹ thuật (như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bị áp thuế chống bán phá giá trong xuất khẩu thủy sản) nên sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng không cao. Riêng đối với các mặt hàng rau quả tuy có mức tăng cao nhưng giá trị xuất khẩu còn thấp nên cũng không tạo nên các bước đột phá về xuất khẩu hàng hóa cho toàn vùng. 

Cũng theo các chuyên gia, để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cho vùng trong thời gian tới, các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác thu hút các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn của các nước phát triển có sử dụng hàm lượng công nghệ cao, tạo ra giá trị hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu. Dù vậy, cho đến nay việc thu hút vốn FDI của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc mức thấp nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các tỉnh, thành trong vùng đã thu hút được 66 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký là 1,7 tỷ USD, trong khi cả nước là 1.183 dự án với tổng vốn là 11,8 tỷ USD. 

Một góc chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: TTXVN
Một góc chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong vùng cũng cần nhanh chóng thay đổi công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng chất xám công nghệ, giá trị cao để nâng giá trị và tăng sức cạnh tranh với các nước. Do hầu hết các doanh nghiệp trong vùng đều thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn hạn chế... nên để tạo ra sự đột phá về khoa học công nghệ cũng là vấn đề khó khăn hiện nay. 

Mặt khác, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp mới, nhất là đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, toàn vùng có 4.275 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 30.816 tỷ đồng, tăng 10,2% về số doanh nghiệp nhưng giảm 22,7% về vốn đăng ký./. 

Có thể bạn quan tâm