Xây dựng thành phố Cần Thơ thành đô thị thông minh

Xây dựng thành phố Cần Thơ thành đô thị thông minh
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự và chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có lãnh đạo thành phố Cần Thơ, các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn Việt Nam và Hàn Quốc.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Singapore tổ chức hội thảo quốc tế về đô thị văn minh vào mùa hè 2015. Qua hội thảo cho thấy, đô thị thông minh là xu hướng quản lý các đô thị trên thế giới nói chung, nhằm giải quyết có hiệu quả nhất các vấn đề đặt ra với đô thị theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp, có hiệu quả cao trong công tác quản lý và phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu tổng quan về đô thị thông minh, lợi thế, tiềm năng cũng như những thách thức của thành phố Cần Thơ và giải pháp phát triển hệ thống đô thị thông minh, quản lý thông minh.

 

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, tính đến năm 2015, thành phố Cần Thơ có năng suất lao động đứng thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; cường độ hoạt động kinh tế bằng 15,4% Thành phố Hồ Chí Minh và 5,6 lần bình quân cả nước; cường độ thu ngân sách bằng 8,14% Thành phố Hồ Chí Minh và 4,23 lần bình quân cả nước; mật độ lao động là 500 lao động/km2, bằng 25,3% của Thành phố Hồ Chí Minh và bằng 3,13 lần bình quân cả nước. Năm 2015, Cần Thơ xếp hạng 14 cả nước về PCI, xếp sau Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chi Minh... Tuy nhiên, Cần Thơ còn nằm dưới mức trung bình của 2 tiêu chí thuộc loại quan trọng nhất của thể chế kinh tế thị trường đó là Tính năng động, Cạnh tranh bình đẳng và chỉ ở mức trung bình của 3 tiêu chí là Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức và Tính minh bạch.

 

Để xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thành phố cần tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững các chỉ số như chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI đạt từ khá trở lên, thuộc tốp 7 cả nước, năng suất lao động tăng nhanh hơn; phát triển bền vững nguồn nước, môi trường, nhân lực, văn hóa, gia đình; môi trường sống tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn, tham gia quản lý và giám sát...

 

Để thực hiện các mục tiêu trên, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý thành phố cần có nghị quyết về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2016-2025, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố cho các doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đầu tư về 17 lĩnh vực như: Dân số, lao động và gia đình, cung cấp nước, đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và nhà ở, thương mại, du lịch, giao thông, môi trường, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ...; đồng thời quy hoạch thông minh với định kỳ 6 tháng, 1 năm, 5 năm, 10 năm và 20 năm về phát triển thành phố trên cơ sở tương tác giữa các lĩnh vực nói trên. Thành phố thông minh còn phải đảm bảo các tiêu chí quản lý giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, chính quyền và doanh nghiệp thông minh, chính quyền và công dân thông minh, công dân và dịch vụ thông minh, nông nghiệp thông minh, quản lý trật tự trị an thông minh...

 

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày và thảo luận các vấn đề như kết quả hiện đại hóa hành chính và phương hướng quản lý đô thị thông minh hơn của thành phố Cần Thơ.

 

Theo ông Kim Hak Min, chuyên gia tư vấn Hàn Quốc, xây dựng thành phố Cần Thơ thông minh nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở phát triển bền vững bằng cách đổi mới vùng với trung tâm là nền tảng đổi mới của sự phối hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long - Hàn Quốc và toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực như: Nông nghiệp - sinh học, nông nghiệp - công nghệ thông tin mới, công nghệ thông tin - sản xuất truyền thống, dịch vụ, mua sắm, nhà ở, giáo dục, môi trường, các ngành sản xuất, dịch vụ.../.

Có thể bạn quan tâm