Xã vùng biên Ngọc Lâm thực hiện không sinh con thứ ba

Xã vùng biên Ngọc Lâm thực hiện không sinh con thứ ba
Nhường đất để xây dựng Nhà máy thủy điện bản Vẽ, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại xã 4 xã Hữu Khuông, Hữu Dương, Kim Tiến, Luân Mai của huyện Tương Dương đã rời mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình về tái định cư ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Xã Ngọc Lâm có 14 bản với 1.387 hộ, có 5.961 khẩu cùng ba dân tộc cùng sinh sống là Thái, Khơ Mú và Ơ Đu. Cuộc sống của đồng bào nơi đây gặp nhiều khó khăn do quan niệm phải sinh nhiều con để có người đi nương, đi rẫy, săn bắn và có nhiều con thì gia đình dòng tộc mới bề thế.

Cán bộ, cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: nguồn congannghean.vn
Cán bộ, cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: nguồn congannghean.vn

Xác định nguyên nhân chủ yếu là sinh đẻ không có kế hoạch, đông con dẫn đến sự nghèo khó, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ngọc Lâm đã xây dựng chính sách riêng cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của địa phương, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế tồn tại, củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình xã. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền vận động, phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ công tác viên, tuyên truyền viên dân số thôn bản. Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình xã đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Trạm Y tế xã... xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình truyền thông mới có hiệu quả như: Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; Câu lạc bộ gia đình với chăm sóc sức khỏe sinh sản; Câu lạc bộ Nam nông dân chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; Câu lạc bộ giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên...

Tại xã Ngọc Lâm, việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được đưa vào hương ước, quy ước của các bản làng. Hầu hết các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ đều đăng ký thực hiện mô hình không sinh con thứ 3. Bên cạnh đó, viên chức dân số, cán bộ phụ nữ đã lấy những gương điển hình sinh ít con, có cuộc sống ấm no hạnh phúc, con cái chăm ngoan để tuyên truyền, vận động. Mặt khác, nhờ các chương trình dự án và sự giúp sức của các đồn biên phòng nên thanh niên vùng biên giờ cũng tiến bộ hơn, hiểu được giá trị của việc sinh ít con mới có điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế.

Nhờ có quy ước chặt chẽ nên nhiều năm qua, không có cặp vợ chồng nào trong xã Ngọc Lâm sinh con thứ 3 dù có nhiều gia đình có đến 2 người con gái; điển hình như bản Chà Luân 9 năm liền, các bản Xiềng Lằm, Bản Lạp 6 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đến hết tháng 9/2016, toàn xã có 14/14 bản không có người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, không có cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 80%. Kết quả các đợt cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đều đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao; tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa liên tục giảm so với những năm trước đây.

“Việc thành lập Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, tổ chức từng hộ gia đình, từng bản ký cam kết đã tạo ra phong trào thi đua giữa các bản. Cùng với đó còn có sự nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của bà con trong việc sinh đẻ, nuôi dạy con. Không chỉ không sinh con thứ 3 mà mấy năm gần đây, mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của chị em hội viên cũng đã được cải thiện, tiến bộ nhiều hơn”, chị Lộc Thị Đại cán bộ viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Ngọc Lâm cho biết.

Ông Lô Hoài Dung, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ngọc Lâm chia sẻ kinh nghiệm: Để đưa chính sách dân số vào cuộc sống, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ vậy, hai năm 2016 và 2017, toàn xã Ngọc Lâm không có người sinh con thứ 3, đời sống kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 67,8% xuống còn 55%. Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình đến từng thôn, bản đã góp phần hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc.

Theo ông Trình Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, từ điểm sáng của xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như gặp mặt các cặp vợ chồng có 2 con trở lên chưa sử dụng các biện pháp tránh thai, phát động chiến dịch truyền thông dân số... Mục tiêu chính là từng bước giảm mức sinh, đưa về mức sinh thay thế và chuyển trọng tâm dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục phó Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An khẳng định thêm: Việc không sinh con thứ ba đối với các cặp vợ chồng trẻ, thanh niên ở độ tuổi kết hôn thuộc địa bàn vùng biên giới mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, giảm bớt khó khăn đồng thời có thời gian để chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp nhân dân vùng biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Từ mô hình của xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương), ngành Dân số phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác nhằm nâng cao chất lượng dân số, phát triển kinh tế.
 
Bích Huệ

Có thể bạn quan tâm