Việt Nam - Israel ký kết hợp tác về đổi mới công nghệ

Việt Nam - Israel ký kết hợp tác về đổi mới công nghệ
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thuộc Bộ KH&CN Việt Nam và Cơ quan Đổi mới công nghệ Israel thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel (IIA) ký kết hợp tác. Ảnh: NATIF
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thuộc Bộ KH&CN Việt Nam và Cơ quan Đổi mới công nghệ Israel thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel (IIA) ký kết hợp tác. Ảnh: NATIF

Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Cơ quan điều hành NATIF và ông Avi Hasson, Chủ tịch IIA đã ký kết Thỏa thuận. Tham dự Lễ ký kết về phía Việt Nam có ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Cao Trần Đức Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel; về phía Israel có Ngài Reuven Rivlin, Tổng thống Nhà nước Israel, ông Aharon Aharon, CEO IIA, Ông Avi Luvton, Giám đốc điều hành IIA.

Việc hai Bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đổi mới công nghệ là một trong những nội dung để triển khai kết quả của Kỳ họp lần thứ 1 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam và Israel. Việt Nam và Israel luôn quan tâm đến những thách thức trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo. Hai bên cùng mong muốn nâng cao năng lực và tính cạnh tranh thông qua hợp tác về đổi mới công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước.

Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác sẽ thúc đẩy các hoạt động trong các lĩnh vực liên quan của mỗi bên nhằm tăng cường hợp tác chung về đổi mới công nghệ; hỗ trợ việc xác định các dự án, đối tác hoặc hợp tác cụ thể có thể mang lại sự hợp tác trong đổi mới giữa các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Israel. Đồng thời, thông qua việc ký kết sẽ điều phối và tập trung các nguồn lực và chương trình phù hợp để hỗ trợ sự hợp tác trong đổi mới công nghệ.

Theo đó, các cơ quan hợp tác, dựa trên năng lực của mỗi cơ quan và dựa trên luật pháp, quy chế, quy trình, cơ chế nội bộ áp dụng tại mỗi quốc gia, sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và khuyến khích các dự án hợp tác về đổi mới công nghệ được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Việt Nam và Israel, để kết quả nghiên cứu chung hoặc sự phát triển các sản phẩm hay quy trình đổi mới dựa trên các công nghệ đổi mới được thương mại hóa trên thị trường nội địa và quốc tế.

Đối với các hỗ trợ bao gồm mức hỗ trợ, các điều khoản và điều kiện áp dụng với mức hỗ trợ và nghĩa vụ trả chi phí bản quyền (nếu có), mỗi đối tác trong một Dự án sẽ phải tuân thủ các điều khoản của luật pháp, điều lệ, quy chế, quy trình, cơ chế, chương trình nội bộ của mỗi quốc gia.

Có thể bạn quan tâm