Vẫn tiếp diễn nạn tảo hôn ở vùng cao

Vẫn tiếp diễn nạn tảo hôn ở vùng cao
Phụ nữ thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) tìm hiểu kiến thức về dân số - KHHGĐ. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Phụ nữ thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) tìm hiểu kiến thức về dân số - KHHGĐ. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Mặc dù năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa và Gia đình tỉnh Tuyên Quang đã triển khai mô hình "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại xã nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, đến nay, thực trạng này vẫn tiếp diễn. 

Đầu năm 2016, em Lù Thị Phương, dân tộc Nùng, 15 tuổi, ở xã Tiến Bộ về làm dâu trong một gia đình ở xã Hùng Lợi. Cuộc sống mới tại nhà chồng vất vả hơn so với tưởng tượng của cô bé 15 tuổi. Sau đám cưới, kinh tế gia đình nhà chồng đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Chồng rời quê đi làm công nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc, Phương ở nhà tiếp quản gần như tất cả công việc của gia đình. 

Phương cho biết, lấy chồng cũng là lúc em phải dừng việc học. Em từng ước mơ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng nhưng gia đình khó khăn quá, bố mẹ cho em nghỉ học ở nhà lấy chồng. Bên cạnh việc gánh vác công việc gia đình, em còn phải chịu áp lực chuyện sinh con với quan niệm "con đàn cháu đống" của gia đình nhà chồng. 

Em Hoàng Thị Dung, sinh năm 2001, dân tộc Mông, ở thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi cũng lấy chồng khi mới 15 tuổi. Hiện Dung đang mang bầu được 8 tháng. Dung nói: "Con đẻ ra cứ nuôi nó khắc lớn". Còn ít tuổi lại mang thai nhưng Dung phải làm nhiều việc nặng nhọc như đi lên rừng lấy củi… 

Còn các chàng trai trong xã lại quan niệm rằng "phải kết hôn sớm mới tìm được vợ tốt". Do đó, việc ra sức tìm vợ, lấy vợ sớm như khẳng định “năng lực” với đám trai bản... Em Hoàng Văn Bằng, thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi lấy vợ khi mới 15 tuổi. Vợ em là Hoàng Thị Sính hơn Bằng 5 tuổi. Khi đưa vợ đi đẻ, do còn quá trẻ, Bằng rất bỡ ngỡ. Các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã vừa đỡ đẻ, vừa phải đi mua đồ dùng cho sản phụ. 

Cán bộ dân số tuyến cơ sở phổ biến nội dung mô hình can thiệp dân số đến đồng bào vùng cao. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Cán bộ dân số tuyến cơ sở phổ biến nội dung mô hình can thiệp dân số đến đồng bào vùng cao. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hùng Lợi Nguyễn Thị Mỵ cho biết: Do tảo hôn, nhiều em mang thai sớm khi cơ thể chưa hoàn thiện về tâm lý, sinh lý. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15-19 cao hơn so với các bà mẹ trưởng thành. Việc sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể cha mẹ chưa phát triển hoàn thiện sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. 

Theo ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi, mặc dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng công tác phòng, chống nạn tảo hôn ở Hùng Lợi gặp rất nhiều khó khăn bởi đồng bào vẫn còn quan niệm về cũ về dựng vợ gả chồng. Hiện Ban Chỉ đạo đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025” với nòng cốt là lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành của xã đang phối hợp với các Tổ tư vấn tại thôn nắm bắt tình hình, tham gia tháo gỡ, hòa giải nếu có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Theo thống kê, những năm cao điểm, xã Hùng Lợi có gần 30 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Con số đó kéo theo hậu quả đáng báo động. Vì vậy, nhằm giảm tối đa nạn tảo hôn, đòi hỏi các cấp, ngành địa phương cần triển khai quyết liệt hơn nữa để thế hệ sau không phải sống trong hệ lụy của vấn nạn này.

Tin liên quan:

Tình trạng nạn tảo hôn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành

 

Có thể bạn quan tâm