Tuyên Quang thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

Tuyên Quang thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững
Thoát nghèo nhờ trồng tre lấy măng tại thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Thoát nghèo nhờ trồng tre lấy măng tại thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Để thực hiện giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi... Bên cạnh đó, tích cực triển khai các giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn nông dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGap, triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh Tuyên Quang cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra gắn đào tạo, giải quyết việc làm với tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là lao động nông thôn, trong đó chú trọng tổ chức đào tạo nghề tại các xã xây dựng nông thôn mới, vùng di dân tái định cư; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng sản xuất hàng hóa. Song song với đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và nhân dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống tại những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa về mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Đặc biệt phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gia đình, dòng họ trong việc huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ giảm nghèo; nêu cao vai trò giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo tại địa phương… Tuyên Quang là tỉnh miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, đời sống nhân dân còn rất khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có trên 34.400 hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, với tổng số vốn trên 1.250 tỷ đồng, 3.542 hộ nghèo được hỗ trợ làm, sửa chữa nhà ở với số tiền 95,6 tỷ đồng… nhờ vậy đã giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Vũ Quang Đán

Có thể bạn quan tâm