Trồng cỏ thâm canh thay đổi tập quán chăn thả gia súc

Trồng cỏ thâm canh thay đổi tập quán chăn thả gia súc
Xuất phát từ thực tế trên, Chi cục Chăn nuôi tỉnh phối hợp với huyện Kim Bôi đã thực hiện đề án “Trồng cỏ vỗ béo bò” giai đoạn 2016- 2020. Mục tiêu của đề án nhằm khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển trồng cỏ vỗ béo đàn bò có quy mô vừa và lớn theo hướng trang trại, gia trại; chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm. Huyện Kim Bôi phát triển chăn nuôi bò theo phương thức bán thâm canh nhằm tạo ra sản phẩm thịt bò với số lượng và chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Theo đó, huyện phát triển đàn bò từ 6.285 con năm 2015 lên 6.800 con vào năm 2020; tăng diện tích cỏ từ 70 ha lên khoảng 78 ha. Quy hoạch đến năm 2020 vỗ béo khoảng 2.860 con bò, tận dụng đất manh mún, đất một vụ kém hiệu quả, bìa rừng…trồng mới 8 ha cỏ có năng suất cao (VA06, cỏ voi, cỏ hỗn hợp). 80% thịt bò tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Ông Bùi Văn Bộ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kim Bôi cho hay, giai đoạn từ 2017- 2019, huyện lựa chọn được 12 xã có số lượng đàn bò lớn (trên 200 con/ xã) và có diện tích đất trồng ngô, mía nhiều, có diện tích đất để trồng cỏ thực hiện đề án; trong đó, năm 2017 đã trồng mới được 2 ha cỏ và vỗ béo được 240 con bò tại 4 xã là Mỵ Hòa, Kim Truy, Kim Tiến và Thượng Bì.

Kỹ Sư Nguyễn Thanh Hằng, Chi cục Chăn nuôi tỉnh Hòa Bình cho biết, Đề án triển khai trồng giống cỏ VA06. Đây là giống thích hợp với mọi vùng đất, có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, tốn ít công chăm sóc, sinh trưởng phát triển nhanh, đẻ nhiều nhánh, năng suất cao và giàu dinh dưỡng. Đánh giá kết quả sau năm đầu tiên thực hiện cho thấy: Giống cỏ VA06 sau khi trồng 40- 45 ngày cho thu hoạch lứa thứ nhất và thu hoạch 6 lứa/ năm, năng suất đạt 290 tấn/ha/năm.

Hộ chăn nuôi xã Nam Thượng (Kim Bôi) tận dụng đất manh mún trồng cỏ nuôi bò theo phương thức bán thâm canh. Ảnh: Nguồn baohoabinh.com.vn
Hộ chăn nuôi xã Nam Thượng (Kim Bôi) tận dụng đất manh mún trồng cỏ nuôi bò theo phương thức bán thâm canh. Ảnh: Nguồn baohoabinh.com.vn

Đối với đàn bò sau 2 tháng vỗ béo tăng trọng trung bình đạt 576g/ con/ ngày. Tổng lợi nhuận cả đàn 240 con sau vỗ béo thu được hơn 442 triệu đồng, trong khi tổng thu 240 con bò vỗ béo theo phương pháp chăn thả tự do chỉ đạt trên 285 triệu đồng.

Anh Bùi Văn Hùng, xóm Đồng Hòa 1, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, là hộ tham gia đề án chia sẻ, theo tính toán, nếu 1.000 m2 đất trồng ngô canh tác tốt đạt năng suất 1,2 tấn/ 2 vụ/ năm, với giá bán 3.500 đồng/kg thu được 4,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư nông dân còn lãi khoảng 2,5 triệu đồng. Nếu cũng với số diện tích này đem trồng cỏ có thể nuôi được 2 - 3 bò cái sinh sản, 1 năm cho 2- 3 bê con (nếu là bê lai) nuôi tiếp 6 tháng có thể bán với giá 9 - 10 triệu đồng/con. Đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng ngô.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đánh giá, mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng ở huyện Kim Bôi đã làm thay đổi tập quán nuôi gia súc thả rông từ nhiều đời nay của người nông dân. Do phương thức nuôi nhốt phòng chống được đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc và mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số địa phương trong tỉnh như Thanh Hối (Tân Lạc), Lạc Sỹ (Yên Thủy) đã áp dụng, tạo cơ hội làm giàu cho nông hộ.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật về trồng cỏ, chăn nuôi bò và phòng bệnh cho đàn bò; vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò; khuyến khích các hộ có khả năng lập gia trại, trang trại chăn nuôi để tăng tổng đàn bò địa phương.
Nhan Sinh 

Có thể bạn quan tâm