Tọa đàm "Đinh Hữu Dư - Lửa nghề cháy mãi"

Tọa đàm "Đinh Hữu Dư - Lửa nghề cháy mãi"
Biểu diễn văn nghệ chào mừng. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Biểu diễn văn nghệ chào mừng. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Chương trình nhằm giáo dục tinh thần vượt khó, lý tưởng sống đẹp và lòng đam mê nghề báo cho các sinh viên, đoàn viên thanh niên. Đây cũng là cơ hội để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa TTXVN và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Hàng nghìn nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam được đào tạo từ Học viện. Nhiều nhà báo có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhiều tấm gương đẹp luôn hướng về cộng đồng, trong số đó có nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư. Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Lưu Văn An khẳng định: Đinh Hữu Dư là tấm gương sáng về nhiệt huyết, tình yêu cũng như đạo đức nghề nghiệp. Em cũng là một trong số ít sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập. Buổi tọa đàm có ý nghĩa hết sức quan trọng để những sinh viên đang theo học tại nhà trường hiểu hơn về những khó khăn vất vả nhưng cũng  đầy tự hào của nghề báo. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Văn An kêu gọi các sinh viên hãy noi gương Đinh Hữu Dư trong học tập, công tác, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyên phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyên phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Trong số những sinh viên đã từng được thầy đào tạo, rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng nghiêm túc trong học tập và lối sống. Đinh Hữu Dư là một trong số những sinh viên có nhiều nghị lực, được bạn bè và thầy cô yêu mến. Em là một trong số ít sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, được ghi nhận và kết nạp Đảng trong trường. Thầy giáo Nguyễn Văn Dững rất ấn tượng khi Đinh Hữu Dư chủ động gặp và đề nghị thầy làm giáo viên hướng dẫn luận văn thạc sỹ cho mình.

Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh (người thứ hai từ bên phải) và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh (người thứ hai từ bên phải) và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Văn Dững cho biết, thầy đang biên soạn một cuốn sách về Đinh Hữu Dư, trong đó tập hợp những bài viết của chàng phóng viên trẻ năng động, đầy nhiệt huyết, luôn nghĩ cho người khác; về kế hoạch xây dựng Tủ sách Đinh Hữu Dư đang được thực hiện trên các địa phương của tỉnh Yên Bái, nơi anh đã từng công tác... Qua cuốn sách này, thầy Nguyễn Văn Dững muốn gửi một thông điệp tới tất cả sinh viên ngành Báo chí nói chung và sinh viên đang học tập tại Học viện nói riêng, đó là: Hãy sống, học tập và làm việc như tấm gương Đinh Hữu Dư.

Phạm Thế Duyệt, phóng viên thường trú TTXVN tại Thái Bình, chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Phạm Thế Duyệt, phóng viên thường trú TTXVN tại Thái Bình, chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Nhà báo Phạm Thế Duyệt (Cơ quan thường trú TTXVN tại Thái Bình), người đã đồng hành cùng nhà báo Đinh Hữu Dư trong suốt thời gian anh công tác tại địa bàn vùng cao Yên Bái không khỏi xúc động cho biết: Đức tính đáng quý nhất của Đinh Hữu Dư là sự hi sinh hết mình vì công việc, về những người xung quanh, không nghĩ đến bản thân. Trong công việc, Dư là một nhà báo mang trong mình sự tâm huyết, tình yêu nghề rất lớn. Anh luôn xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể và theo đuổi đến cùng đề tài mà mình tâm huyết để có được tác phẩm báo chí chất lượng nhất.

Chia sẻ những kinh nghiệm làm báo với sinh viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, để thành công trong nghề nghiệp, mỗi phóng viên ngoài kiến thức, cần phải có lòng yêu nghề.

Nhà báo Phan Nhật Anh, Trưởng phòng Ảnh chuyên đề, Ban Biên tập Ảnh, TTXVN cho rằng: Ngoài những công cụ hỗ trợ, mỗi phóng viên khi ra hiện trường, đặc biệt trong những sự kiện như bão lũ, cháy nổ... cần chuẩn bị kế hoạch công việc, kế hoạch bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam Lê Minh Đức cho biết: Để thực hiện ước mơ còn dang dở của đồng nghiệp Đinh Hữu Dư, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam đã phát động triển khai chương trình từ thiện xây dựng những tủ sách cho trẻ em vùng cao. Chương trình mang tên “Tủ sách Đinh Hữu Dư – Viết tiếp ước mơ còn dang dở”, với mục tiêu mang sách đến với học sinh; tạo thêm cơ hội mở rộng kiến thức, văn hóa đọc cho trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tuổi trẻ Thông tấn xã Việt Nam mong muốn sẽ duy trì chương trình thiện nguyện này trở thành hoạt động thiết thực, lâu dài. Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng chương trình triển khai các tủ sách trở thành hoạt động thường niên trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Đỗ Bình

Có thể bạn quan tâm