Tiền Giang tìm giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sầu riêng

Tiền Giang tìm giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sầu riêng
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh : Minh Trí - TTXVN.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh : Minh Trí - TTXVN.
Theo Tiến sỹ Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hội thảo nhằm vào mục tiêu huy động công sức, trí tuệ của tập thể các nhà khoa học, của các cấp, các ngành cùng nông dân địa phương tìm giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, đặc biệt là hướng tới đồng thời cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Qua đó, giải quyết đầu ra ổn định cho trái sầu riêng cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, giúp nông dân vùng chuyên canh an tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang hiện có gần 9.200 ha sầu riêng tập trung tại các huyện, thị đầu nguồn vùng lũ trước đây: Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè; trong đó riêng huyện Cai Lậy lớn nhất, chiếm trên 76% tổng diện tích hiện có.  Trong vùng cũng có mạng lưới 72 vựa, doanh nghiệp, cơ sở thu mua đóng gói tiêu thụ trái sầu riêng, chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Theo đánh giá, với năng suất trái bình quân 25 tấn/ha, giá bán bình quân 57.500 đồng/kg; tổng lợi nhuận nông dân đạt từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/ năm. Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến việc xây dựng chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, việc kiểm dịch thực vật xuất khẩu quả sầu riêng, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để canh tác rải vụ và sản xuất theo tiêu chí VietGAP nhằm nâng khả năng cạnh tranh của trái sầu riêng trên thị trường vừa đạt mục tiêu an toàn, truy xuất nguồn gốc…. Về canh tác rải vụ sầu riêng để tránh thời điểm mất giá khi thu hoạch, GS.TS Trần Văn Hâu, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ góp ý kiến, xử lý sầu riêng ra hoa rải vụ bằng cách áp dụng kỹ thuật xiết nước, đậy mũ nylon dưới gốc tạo tình huống khô hạn trong mùa mưa và phun hóa chất cùng một số giải pháp khác. Cách này cần sớm nghiên cứu hoàn thiện, đúc kết qui trình và áp dụng đồng bộ để trái sầu riêng Tiền Giang có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc có ý kiến về chuỗi giá trị sầu riêng mà Tiền Giang cần xây dựng. Bà Lộc cho rằng, để phát triển ổn định và bền vững ngành hàng sầu riêng tại địa phương, tỉnh cần có giải pháp đồng bộ trong các khâu sản xuất, tiêu thụ…Theo đó, quan tâm nâng chất lượng vùng chuyên canh thông qua sản xuất theo tiêu chí GAP, xây dựng các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng sầu riêng đủ mạnh đống thời liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phầm tốt nhất. Nông dân Đặng Văn Nửa, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chí VietGAP ở ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình kiến nghị để trái sầu riêng tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, các cấp, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật thâm canh, xây dựng mô hình kinh tế tập thể kiểu mới cũng như xúc tiến thương mại đề các doanh nghiệp quan tâm liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách ổn định. Bà Nguyễn Thị Hồng Dung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bảy Ngũ Hiệp (ấp 12, xã Long Trung, huyện Cai Lậy) chuyên thu mua và xuất khẩu sầu riêng cho rằng, để góp phần đẩy mạnh sản xuất và phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng,  Tiền Giang cần phải có những chính sách phù hợp và đồng bộ để phát triển cây trồng đặc sản này theo hướng an toàn, bền vững và nâng cao được giá trị của trái sầu riêng trên thương trường. Đặc biệt, hỗ trợ nhà vườn tổ chức và quản lý tốt vùng trồng, sản xuất theo hướng GAP, đẩy mạnh liên kết 4 nhà nhằm giải quyết đầu ra một cách căn cơ…Ngoài ra, khẩn trương xây dựng chỉ dẫn địa lý trái sầu riêng, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho hay, đây là những đóng góp ý kiến hết sức quí báu nhằm giúp địa phương trong thời gian tới khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của trái sầu riêng đặc sản trên thị trường. Đồng thời, mang lại nguồn lợi quan trọng để nông dân những huyện, thị vùng ngập lũ trước đây vượt qua khó khăn.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm