Tiền Giang đầu tư trên 384 tỷ đồng thi công các công trình phòng chống thiên tai

Tiền Giang đầu tư trên 384 tỷ đồng thi công các công trình phòng chống thiên tai
Trong đó, có các công trình trọng điểm trong khuôn khổ Dự án 5 kênh Bắc Quốc lộ 1 kinh phí đầu tư trên 283 tỷ đồng và Dự án Bảo Định giai đoạn 2 kinh phí đầu tư trên 34 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hai dự án trên giúp cải thiện năng lực tưới tiêu, phòng chống hạn mặn, chuyển đổi sản xuất trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) như Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, từ nguồn vốn vay ODA của ADB và vốn đối ứng, Tiền Giang triển khai hai tiểu dự án gồm tiểu dự án Nâng cấp hệ thống kiểm soát mặn vùng Gò Công ở ven biển phía đông và tiểu dự án kiểm soát và giảm rủi ro do lũ vùng Ba Rài – Phú An nằm trong vùng ảnh hưởng lũ lụt phía tây tỉnh Tiền Giang. Hai tiểu dự án này có tổng nguồn vốn đầu tư trên 89 tỷ đồng. Trong đó, tiểu dự án Nâng cấp hệ thống kiểm soát mặn vùng Gò Công giúp ứng phó hiệu quả hạn mặn, bảo vệ trên 37.000 ha đất các huyện ven biển: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo; còn Tiểu dự án Kiểm soát và giảm rủi ro do lũ vùng Ba Rài – Phú An giúp nâng cao năng lực phòng chống thiên tai trong mùa lũ lụt và hạn mặn vào mùa khô hàng năm, bảo vệ hàng chục nghình héc ta vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản ở các huyện phía Tây như huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. 

Ngoài ra, từ nguồn vốn thủy lợi phí cấp bù, ngay từ đầu mùa lũ 2016, Tiền Giang đã đắp 4 đập thép ngăn lũ và triều cường bảo vệ vùng chuyên canh cậy ăn quả đặc sản nằm ven sông Tiền, thực hiện kiên cố hóa các đập tạm để phòng chống thiên tai; hoàn thiện mạng lưới kênh mương thủy lợi nội đồng bảo đảm nguồn nước tưới tiêu vừa phục vụ sản xuất vừa phòng chống thiên tai tại các địa phương vùng ngập lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy một cách hiệu quả. 

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, nhờ có các giải pháp thích hợp và chủ động, đặc biệt là tập trung huy động các nguồn lực thi công hoàn thành các công trình thủy lợi kết hợp với nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc triển khai kịp thời phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”, địa phương đã giảm được thiệt hại do thiên tai, hạn mặn, lũ lụt gây ra trên địa bàn./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm