Thừa Thiên - Huế tăng hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn

Thừa Thiên - Huế tăng hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn
Người dân ở huyện Nam Đông chăm sóc rừng trồng mới. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
 Người dân ở huyện Nam Đông chăm sóc rừng trồng mới. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Trồng rừng gỗ lớn tuy là việc làm còn mới đối với người dân Thừa Thiên - Huế, nhưng phải khẳng định hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu trước đây, trồng rừng gỗ nhỏ (chủ yếu là cây keo) sau 4 năm trồng có thể thu hoạch, đạt khoảng 50 tấn/ha, doanh thu từ 60 - 65 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Trong khi trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC với thời gian trồng 8 năm cho thu hoạch trên 200 tấn sản phẩm/ha, có giá trị 250-300 triệu đồng/ha; lợi nhuận mỗi ha rừng gỗ lớn cao hơn (100 triệu đồng/ha trở lên) so với trồng rừng gỗ nhỏ. Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua thời gian triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn theo chứng chỉ FSC đã thu hút nhiều hộ trồng rừng tham gia. Hiện nay, ở Thừa Thiên - Huế đã có 14 chi hội trồng rừng gỗ lớn ở Phú Lộc, A Lưới, Hương Trà. Đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC lên 6.000 ha, nhằm hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy, người dân ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mô hình trồng rừng gỗ lớn, từng bước từ bỏ phương thức trồng rừng theo lối cũ. Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải quá trình sử dụng đất... Để phát triển trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có những định hướng cụ thể từ quy hoạch phát triển rừng đến giống cây trồng lâm nghiệp, kỹ thuật lâm sinh và những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các chủ rừng trong hoạt động trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Hiện mỗi năm, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng mới từ 4.500-5.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 58% so với diện tích đất tự nhiên; đến năm 2020 tỷ lệ này phấn đấu đạt 61%. Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Nơi nào quản lý giống tốt thì nơi đó có năng suất và chất lượng rừng trồng tăng cao. Vì vậy, tỉnh đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ cho việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 56 nguồn giống lâm nghiệp với gần 45ha; trong đó, chủ yếu bằng các hình thức nhân giống truyền thống như gieo hạt, vườn cung cấp hom và nhân giống hữu tính… để phục vụ cho việc trồng rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có kế hoạch xây dựng thêm 20 ha giống mới, gồm các loài keo lá tràm, keo tai tượng, keo lưỡi liềm; 120 ha giống chuyển hóa, chú trọng một số loài cây chủ lực, bản địa, lâu năm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, rừng phòng hộ và đặc dụng. Các nguồn giống đã và đang được sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung cấp chất lượng tốt để sản xuất cây con trồng rừng, đáp ứng nhu cầu trồng rừng ngày càng cao của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Ngành lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế chọn 10 vườn ươm có quy mô để đầu tư cải tạo, nâng cấp; đồng thời xây dựng mới thêm 3 vườn ươm, trong đó ưu tiên vườn ươm cây giống bản địa, cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô và gieo ươm thân thiện môi trường phù hợp với quy mô, năng lực và đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống rừng trồng. Đáng chú ý, cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô được các đơn vị trồng rừng, người dân ưa chuộng vì chất lượng cây trồng đảm bảo, ít bị gãy đổ do gió bão. Mặt khác, nếu những năm trước đây, năng suất gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 50-60 m3/ha, thì hiện nay do nguồn giống được cải thiện, chất lượng tốt nên năng suất đạt từ 100-120 m3/ha, tăng gấp hai lần. Ngoài cơ sở nuôi cấy mô tại Công ty Tiền Phong với công suất 1,5 - 2 triệu cây/năm, để đáp ứng nhu cầu sử dụng giống chất lượng cao, dự kiến một cơ sở nuôi cấy mô tại Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1-5, công suất ước đạt khoảng 2 triệu cây giống/năm sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018. Đến năm 2025, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sản xuất khoảng 10-15 triệu cây giống nuôi cấy mô, cùng với các cơ sở, cá nhân sản xuất khoảng 15 triệu giống keo hom chất lượng phục vụ cho việc trồng rừng, nhất là trồng rững gỗ lớn...

Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm