Thủ lĩnh Đoàn tâm huyết bảo vệ môi trường Lò Văn Bước

Thủ lĩnh Đoàn tâm huyết bảo vệ môi trường Lò Văn Bước
Mô hình lò đốt rác của Bí thư Đoàn xã Lò Văn Bước được cải tiến sang lò đốt rác bằng gạch. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Mô hình lò đốt rác của Bí thư Đoàn xã Lò Văn Bước được cải tiến sang lò đốt rác bằng gạch. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Anh Lò Văn Bước sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, người dân tộc Thái tại bản Phiêng Xe, xã Mường Trai, huyện Mường La (tỉnh Sơn La). Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh chọn học nghề điện và đi theo các công trình điện khí hóa nông thôn đến khắp bản làng. Dù công việc bận rộn, vất vả, song anh rất tích cực tham gia hoạt động Đoàn, nhiều năm liền được bầu là Phó Bí thư, Bí thư Chi đoàn bản. Năm 2010, anh về công tác tại xã Mưởng Trai và được bầu làm Bí thư Đoàn xã Mường Trai từ năm 2014.  

Anh Bước chia sẻ: Ý tưởng lò đốt rác xuất phát từ khi anh còn làm thợ điện. Khi đến nhà người dân, có gia đình ở nhà sàn, sinh hoạt ở trên xong vứt rác xuống dưới rất mất vệ sinh. Những lúc trời mưa, rác không đốt được, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân. Cùng với đó, rác ở cống, rãnh thoát nước trôi xuống lòng hồ Thủy điện Sơn La trên địa bàn xã gây ô nhiễm nguồn nước. Năm 2017, sau khi nộp hồ sơ tham dự cuộc thi “Xây dựng ý tưởng, đề án thanh niên chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng cục Môi trường phối hợp tổ chức, anh đã chính thức hiện thực hóa ý tưởng lò đốt rác của mình.

Ban đầu, mô hình lò đốt rác được thiết kế bằng thùng phuy. Thùng phuy là vật liệu dễ kiếm, sau khi đục 2 đầu, được đặt trên tấm đan bằng sắt và kê trên gạch để đốt. Như vậy bảo đảm khi người dân đổ rác không bị rơi xuống lò và tro sau khi đốt có thể sử dụng được ngay. Sau này để phù hợp với thực tế, anh Bước đã cải tiến mô hình lò đốt rác bằng thùng phuy sang lò đốt rác bằng gạch. Được biết, lò đốt rác bằng gạch có cơ chế hoạt động tương tự như lò đốt rác bằng thùng phuy, nhưng có ưu điểm an toàn hơn khi sử dụng, kích thước xây dựng linh hoạt, phù hợp với nhiều địa hình.

Người dân hưởng ứng việc sử dụng lò đốt rác bằng gạch để bảo vệ môi trường. Ảnh: Diêp Anh - TTXVN
Người dân hưởng ứng việc sử dụng lò đốt rác bằng gạch để bảo vệ môi trường. Ảnh: Diêp Anh - TTXVN

Ông Giàng Văn Giai trú tại bản Bó Ban, xã Mường Trai, cho biết: Bản ông được đoàn viên, thanh niên xã hỗ trợ xây một lò đốt rác bằng gạch. Từ ngày có lò đốt rác này, người dân có ý thức hơn trong việc thu gom, xử lý và tiêu hủy rác. Môi trường sống cũng được cải thiện, trong sạch hơn. Nhiều nhóm hộ, gia đình ở xa trung tâm bản đã chủ động xây dựng lò đốt rác theo mô hình này để tiện sử dụng hằng ngày.

Anh Bước cho biết, xã Mường Trai tập trung chủ yếu người dân tộc thiểu số sinh sống. Do phong tục tập quán lạc hậu, thời gian đầu, việc vận động bà con xây lò đốt rác rất khó khăn. Anh Bước cùng đoàn viên, thanh niên phải đến từng nhà tuyên truyền, vận động, lồng ghép trong các cuộc họp thôn, bản về ý nghĩa, tầm quan trọng của lò đốt rác đối với vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình ở nhiều thôn, bản. Đến nay, mô hình này đã được triển khai và đưa vào sử dụng ở 8/10 bản tại xã Mường Trai; được xây dựng tại các trụ sở cơ quan, trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn xã. 

Bên cạnh việc triển khai, xây dựng các lò đốt rác, anh Bước đã huy động đoàn viên, thanh niên trồng hơn 200 cây hoa ban dọc tuyến đường thanh niên tự quản. Dự kiến, sẽ trồng đại trà giống hoa này dọc tuyến đường nội bản và ven lòng hồ Thủy điện Sơn La trên địa bàn xã, vừa giúp bảo vệ môi trường vừa tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Anh Bước mong muốn, những công trình, phần việc này của thanh niên sẽ góp một phần hoàn thiện chỉ tiêu môi trường, phấn đấu đưa xã Mường Trai trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.

Theo đánh giá của Bí thư Huyện đoàn Mường La Đào Thị Hà, Lò Văn Bước là một thủ lĩnh Đoàn cấp cơ sở năng động, nhiệt tình, luôn ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, anh Bước rất tâm huyết với công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Mô hình lò đốt rác do anh Bước xây dựng có chi phí thấp, mà hiệu quả bảo vệ môi trường vượt trội hơn với hố rác trước đây. Với ý nghĩa thiết thực đó, hiện nhiều xã trong huyện như Chiềng Lao, Hua Trai... đã học tập và ứng dụng thành công lò đốt rác này. Theo kế hoạch, Huyện đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở Đoàn triển khai, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Năm 2018, anh Bước được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, anh Bước được Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” giai đoạn 2012 – 2017; Tỉnh đoàn Sơn La trao Chứng nhận đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2018.
Diệp Anh 

Có thể bạn quan tâm