Thầy Bùi Ngọc Minh với những sáng kiến vì học sinh vùng cao

Thầy Bùi Ngọc Minh với những sáng kiến vì học sinh vùng cao
Thầy giáo Bùi Ngọc Minh và cô giáo Vũ Thị Hồng Ngân nhận giải Nhì tại lễ trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ II năm 2018”. Ảnh: baolaocai.vn
Thầy giáo Bùi Ngọc Minh và cô giáo Vũ Thị Hồng Ngân nhận giải Nhì tại lễ trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ II năm 2018”. Ảnh: baolaocai.vn
Thầy giáo Bùi Ngọc Minh sinh ra và lớn lên ở vùng đất cao nguyên trắng Bắc Hà. Năm 2005, tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy về công tác tại Trường Trung học Phổ thông số 1 Bát Xát. Hiện nay, thầy là Phó Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. Trong quá trình công tác tại địa bàn Bát Xát, thầy thấu hiểu cái cái rét cắt da cắt thịt khiến học sinh nội trú, bán trú vùng cao vốn đã thiếu thốn trăm bề càng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Học sinh ở đây thiếu nước nóng để phục vụ sinh hoạt… trong khi bếp kiềng đun củi của các nhà trường dù đã huy động hết công suất nhưng vẫn không cung cấp đủ cho các em. Thầy Minh cho biết, để cung cấp nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú, các trường tổ chức đun nước nóng, tuy nhiên làm như vậy tốn nhiều nhiên liệu, không thể đáp ứng được nhu cầu vì học sinh đông (mỗi tuần chỉ làm được 1 lần). Trên thị trường cũng có một số hệ thống đun nước nóng cho tập thể, có thể tạo ra nhiều nước nóng với lượng nhiên liệu ít, tuy nhiên hệ thống này rất đắt (khoảng trên 100 triệu đồng/ hệ thống), các trường không có điều kiện kinh tế để thực hiện. Với kiến thức thực tiễn cùng tình yêu thương học trò, thầy Minh đã sáng chế ra chiếc bếp lò mới thay thế bếp kiềng với ưu điểm tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời tận dụng nhiệt của bếp lò để tạo ra nước nóng cho học sinh bán trú sử dụng, đưa toàn bộ khói ra ngoài, không ảnh hưởng tới bếp nấu (đảm bảo đủ mỗi học sinh bán trú có nước nóng tắm 3 lần/tuần) mà không mất thêm chi phí. Nguyên lý hoạt động của bếp lò này là tận dụng nhiệt bếp lò khi đun nấu đồng thời cấp nhiệt cho nồi nấu (cơm, thức ăn) và hệ thống ống kẽm, nhiệt ống kẽm tăng lên làm cho nhiệt của nước bên trong ống tăng. Nước chảy liên tục trong ống nên tạo ra một lượng lớn nước có nhiệt độ cao, phục vụ sinh hoạt của học sinh bán trú. Toàn bộ nhiệt khi nhiên liệu cháy được giữ trong bếp lò nên thất thoát ra ngoài ít, tiết kiệm nhiên liệu cho các trường học.
Bếp lò tiết kiệm nhiên liệu do thầy giáo Bùi Ngọc Minh sáng chế. Ảnh: baolaocai.vn
Bếp lò tiết kiệm nhiên liệu do thầy giáo Bùi Ngọc Minh sáng chế.
Ảnh: baolaocai.vn
Sau một tháng miệt mài nghiên cứu và bỏ tiền túi ra để thử nghiệm, thầy Minh đã thành công với công trình đầu tiên tại Trường Mầm non - Tiểu học và Trung học cơ sở Toòng Sảnh, huyện Bát Xát, cách thành phố Lào Cai 20km. Tại đây, thầy Minh thiết kế hệ thống ống kẽm (loại phi 42), bao gồm 8 ống (4 ống chạy bên trên – thay cho kiềng của bếp và 4 ống chạy bên dưới) nối với nhau. Khi nhà trường tổ chức nấu cơm, nhiệt của bếp cung cấp trực tiếp cho hệ thống ống này, nước lạnh được dẫn vào, chảy qua hệ thống ống, nhận nhiệt từ hệ thống ống và tạo ra nước nóng ở đầu ra. Quá trình thiết kế bếp lò, thầy Minh sử dụng đất thịt, đầm kỹ, sau đó khoét theo kích thước của từng nồi đun, bên ngoài sử dụng gạch và vữa xây để tạo mỹ quan, đồng thời bảo quản bếp lâu dài. Việc sử dụng đất thịt vừa giảm giá thành sản phẩm, vừa đảm bảo chịu nhiệt, giữ nhiệt, không để nhiệt độ thoát ra bên ngoài, do đó tiết kiệm củi khi các trường nấu cơm cho học sinh bán trú. Thời gian đun nấu rút ngắn, chỉ bằng 1/3 so với việc đun bếp cũ. Thầy Minh cho biết, chi phí sản xuất cho một chiếc bếp này không đắt. Nếu nguyên liệu sử dụng là sắt và kẽm, giá thành sản phẩm khoảng 3 triệu. Mô hình đầu tiên thành công đã được các trường học đến tham quan và giới thiệu nhân rộng. Từ mô hình đầu tiên trên địa bàn, huyện Bát Xát đã hỗ trợ 26 trường học nội trú, bán trú xây dựng "bếp lò thầy Minh" để sử dụng. Đến nay, địa bàn Lào Cai có khoảng gần 50 trường học áp dụng mô hình bếp lò tiết kiệm nhiên liệu. Cô giáo Vũ Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Phìn Ngan, huyện Bát Xát cho biết: Sử dụng bếp lò của thầy Bùi Ngọc Minh đã tiết kiệm nhiên liệu 2 lần vì sau khi nấu cơm có thể sử dụng nước nóng để nấu canh. Đặc biệt, có thể thu được 15 lít nước nóng 70 độ C trong 1 phút, nếu để tốc độ nước chậm hơn sẽ thu được nước có nhiệt độ cao hơn. Kinh phí tạo ra bếp lò thấp khoảng 3 triệu/bếp. Trong bếp hoàn toàn không có khói hoặc có rất ít. Đây cũng là nhận xét chung của các trường học tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà và Sa Pa. Trước đó, năm 2014, thầy cũng đã có sáng kiến "Máy chiếu vật thể đơn giản". Sáng kiến này được ra đời khi thầy Minh dự giờ tại Trường Trung học Cơ sở Ngô Văn Sở, thành phố Lào Cai. Nguyên lý hoạt động của máy chiếu vật thể nhỏ là sử dụng các webcam của máy tính gắn vào đầu những bóng đèn để bàn, kết nối máy tính trình chiếu lên máy chiếu. Sản phẩm này có giá thành hợp lý (500-800 ngàn đồng thay cho sản phẩm giá 7 triệu đồng bán ngoài thị trường). Sáng kiến này giúp thầy cô và học sinh sử dụng trình chiếu một cách linh hoạt, có thể chiếu trực tiếp nội dung bài học trong sách, vở hay thậm chí là mảnh giấy nhỏ của học sinh thay vì phải thao tác nội dung này trên máy tính. Hiện nay, hơn 500 sản phẩm máy chiếu của thầy Minh đã được sử dụng rộng rãi ở các trường học từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh Lào Cai giúp công việc giảng dạy của giáo viên trở nên thuận tiện hơn, các giờ học ngập tràn hứng thú với thiết bị giảng dạy trực quan sinh động. Sản phẩm này đã được công nhận sáng kiến, kinh nghiệm cấp tỉnh và đoạt giải 3 Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Lào Cai năm 2016. "Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình phải có sáng kiến để đi thi giành giải này giải kia. Tôi có nhiều trăn trở khi chứng kiến thực tế công việc giảng dạy, học tập và sinh hoạt của học trò từ vùng thấp đến vùng cao. Khi ấy, tôi tự tạo áp lực lên bản thân phải mau chóng tìm ra giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho cả thầy và trò. Sáng kiến của tôi ra đời trong những hoàn cảnh đó. Được các trường học nhiệt thành đón nhận và áp dụng rộng rãi các sáng kiến của mình chứng tỏ tôi đã đi đúng hướng. Là một người thầy, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được học trò cùng đồng nghiệp yêu thương và nhớ tới", thầy Minh tâm sự.
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm