Thay đổi nhìn nhận về nông nghiệp hữu cơ

Thay đổi nhìn nhận về nông nghiệp hữu cơ
Trước thực tế hiện nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ; trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Để tìm hiểu về thực trạng nông nghiệp hữu cơ cũng như giải pháp để những chính sách này sớm đi vào cuộc sống phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS (Hệ thống đảm bảo cùng tham gia) Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS (Hệ thống đảm bảo cùng tham gia) Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Ảnh: bnews.vn
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS (Hệ thống đảm bảo cùng tham gia) Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Ảnh: bnews.vn
Bà đánh giá thế nào về thị trường nông nghiệp hữu cơ hiện nay? - Đây là một thị trường rất tiềm năng, không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề là tổ chức sản xuất như thế nào và giám sát chất lượng ra sao để tránh tính trạng khi xuất khẩu ra nước ngoài sản phẩm nào đó mà không thật sự đúng là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đây là một bài toán khó mà chúng tôi luôn chú trọng trong việc đảm bảo đúng các tiêu chuẩn khi tham gia vào hệ thống nông nghiệp hữu cơ. Thời gian qua, vẫn có nhiều vụ việc về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng đã tìm đến những sản phẩm khác tốt hơn, an toàn hơn, chính vì thế sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mới được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và nông nghiệp hữu cơ chưa được quản lý một cách triệt để.* Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này? - Hiện nay, người ta cứ nghĩ đơn giản là chỉ cần thải loại các hoá chất từ khâu đầu vào trong sản xuất là trở thành sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nhưng thực chất lại không phải là như vậy. Cũng giống như việc nông dân cho rằng, họ chỉ cần giảm phun thuốc trừ sâu là an toàn, nhưng cái quan trọng nhất mà họ không nghĩ đến chính là việc sử dụng phân bón hoá chất. Thực tế, việc này lại nguy hiểm hơn việc giảm phun thuốc trừ sâu. Cho nên, người sản xuất thường nói tôi không phun gì đâu, chứ không nói là tôi bón phân gì. Ở đây người ta chỉ quan tâm đến việc không phun hoá chất mà không nghĩ đến việc tồn dư hoá chất trong phân bón hoá học, làm cho thực phẩm không an toàn. Nguy hiểm hơn là khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu thì có thể sơ cấp cứu ngay lập tức, nhưng việc tồn dư hoá chất thì vẫn cứ âm thầm phát triển trong cơ thể con người và chỉ khi phát bệnh mới biết. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn sử dụng và tìm kiếm các sản phẩm không phun thuốc trừ sâu mà chưa nghĩ đến việc sản phẩm đó có bị bón phân hoá học hay không. Đối với nông nghiệp hữu cơ hiện nay cũng vậy, người ta nghĩ rằng việc loại trừ đầu vào vô cơ bằng việc cung cấp đầu vào hữu cơ thì sản phẩm trở thành hữu cơ, nhưng thực chất lại không phải như vậy. Hiện nay, người tiêu dùng mỗi người hiểu theo một cách khác nhau. Trong khi người sản xuất cứ đưa ra sản phẩm và nói rằng đó là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, nhà nước chưa đưa ra một tiêu chuẩn, chính sách nào để kiểm soát việc đó. Chính việc không kiểm soát được, nên thị trường nông nghiệp hữu cơ rất hỗn loạn, người tiêu dùng mất phương hướng, không biết thực sự hữu cơ là cái gì.
Anh K'Brooke người K'Ho (Lâm Đồng) với vườn cà phê hữu cơ. Ảnh: Đặng Anh Tuấn - TTXVN
 Anh K'Brooke người K'Ho (Lâm Đồng) với vườn cà phê hữu cơ.
Ảnh: Đặng Anh Tuấn - TTXVN
* Theo bà, nguyên nhân nào mà người tiêu dùng khó tiếp cận được các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ? - Thực ra, người tiêu dùng không khó tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, mà điều quan trọng chính là niềm tin của họ về nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường. Đối với sản phẩm PGS của chúng tôi, sau hơn 10 năm thì bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều trang trại tư nhân đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xuất phát từ việc phục vụ nhu cầu gia đình sau đó cho bạn bè. Thậm chí, có nhiều trang trại làm rất tốt và sản phẩm của họ còn đạt chứng nhận của quốc tế. Đương nhiên là sản phẩm đó có giá thành rất đắt, nhưng người tiêu dùng vẫn mua bởi họ có niềm tin.* Vậy, đâu là khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ? - Trước đây, khi chúng tôi sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì trên thị trường người tiêu dùng vẫn chưa biết sản phẩm hữu cơ là gì. Khi giới thiệu sản phẩm không sử dụng hoá chất và một loạt phương thức sản xuất đưa ra thì mọi người vẫn không tin. Chính bản thân người nông dân cũng vậy, khi tiếp cận để đào tạo họ sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì họ không tin. Đây là một trong những khó khăn ở thời điểm ban đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Khó khăn nữa là chính sách của Nhà nước để dồn điển đổi thửa, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất và đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nào cho việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Để tháo gỡ những khó khăn này, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đưa ra các bằng chứng về sản phẩm nông nghiệp hữu có thể làm thay đổi hành vi của người nông dân trong sản xuất. Quan trọng nhất là họ phải tự chịu trách nhiệm với chính sản phẩm họ làm ra đến tận bàn ăn của người tiêu dùng; đồng thời họ có thể tự sản xuất trên chính mảnh đất của họ. Chính điều này cũng làm thay đổi quan niệm và cách nhìn nhận của người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ. Cuối cùng, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ đã mở ra hướng phát triển cho ngành nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, để cho thị trường nông nghiệp hữu cơ phát triển lành mạnh thì Chính phủ cũng cần có chính sách để giám sát thị trường này.* Xin cảm ơn bà!
Thành Trung

Có thể bạn quan tâm