Tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho hợp tác xã (Bài 2)

Tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho hợp tác xã (Bài 2)
Bài 2: Tiếp sức cho dòng chảy lưu thông Nếu coi các hợp tác xã như “bà đỡ” để giúp phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ nông dân thì Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã lại được ví như “dòng máu” để lưu thông các hoạt động cũng như phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, vốn đang là điểm nghẽn - khó khăn lớn nhất của hợp tác xã để sản xuất kinh doanh. Do vậy, rất cần sự chung tay hỗ trợ từ Nhà nước để tăng thêm nguồn vỗn từ Quỹ hỗ trợ phát triển tạo cơ hội cho các hợp tác xã trên địa bàn cả nước tăng trưởng bền vững.
Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao thu nhập. Ảnh : Nguyễn Huy Thành - TTXVN
Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao thu nhập.  Ảnh : Nguyễn Huy Thành - TTXVN
Eo hẹp nguồn vốn Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, hiện nay chưa đến 20% các hợp tác xã có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng rất hạn chế chỉ 0,5% trên tổng số hơn 20.000 hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp. Lý giải nguyên nhân này, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là do các hợp tác xã không có tài sản để thế chấp, cầm cố vay vốn. Mặt khác, một số hợp tác xã có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn vì không đảm bảo tính pháp lý. Xuất phát từ việc thiếu tài sản đảm bảo, nhiều hợp tác xã cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã hoặc thuê dịch vụ. Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, đây là kênh duy nhất cung cấp nguồn tín dụng, giúp các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, sự xuất hiện của Quỹ Hỗ phát triển hợp tác xã được kỳ vọng như một luồng gió mới mang lại hy vọng cho các hợp tác xã. Là một đơn vị điển hình trong áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái do eo hẹp nguồn vốn nên hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở mức sản xuất thô sau đó xuất sang Trung Quốc nên giá trị kinh tế không cao. Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã này cho biết, nếu đầu tư dây chuyền sản xuất tinh dầu quế, giá trị sản phẩm sẽ cao gấp từ 4-5 lần so với xuất khẩu thô. Tuy nhiên, "lực bất tòng tâm" bởi lấy đâu ra hàng chục tỷ đồng trong khi nguồn vốn tiếp cận rất khó vì không có tài sản thế chấp. Vì vậy, hy vọng duy nhất của hợp tác xã hiện nay là nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác  xã Việt Nam. Thế nhưng, do quỹ vốn hạn hẹp và chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ của hợp tác xã. Không chỉ Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm mà rất nhiều hợp tác xã khác trên cả nước đều mong muốn Nhà nước sẽ có những giải pháp thiết thực hơn nữa tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn, nhất là với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Cùng quan điểm này, ông Đỗ Văn Lừng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận cho hay, do nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ quá ít mà hồ sơ nộp vay lại rất nhiều mà đặc thù của các hợp tác xã nông nghiệp là cần lượng vốn lưu động lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn để hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hợp tác xã trong cả nước. Bởi vậy, nhiều hợp tác xã trong điều kiện không tiếp cận được vốn đã phải chấp nhận vay nặng lãi (tín dụng đen) để có nguồn vốn thực hiện phương án kinh doanh. Xoay quanh câu chuyện “khát vốn” của các hợp tác xã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thành viên thuộc Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái Nguyễn Đức Lâm khẳng định, hiện nay các hợp tác xã tại Yên Bái có nhu cầu rất lớn về vốn trong khi vốn hỗ trợ từ quỹ rất thấp chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Không những thế, mức vốn điều lệ của quỹ thấp nên chỉ phục vụ được khoảng 30% nhu cầu của các hợp tác xã hiện nay. Do đó, dù có nhiều lợi thế và làm ăn hiệu quả nhưng các hợp tác xã này vẫn chưa đủ lực để tiếp cận công nghệ cao. Hơn nữa, khu vực hợp tác xã chủ yếu không có tài sản thế chấp nên chỉ chờ đợi vào nguồn vay từ  Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.Hóa giải điểm nghẽn Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cho biết, mặc dù đã hoạt động được 10 năm nhưng đến nay vốn điều lệ được cấp vẫn còn hạn chế ở mức 100 tỷ đồng. Vì vậy, dù rất nhiều hồ sơ đủ điều kiện vay vốn nhưng Quỹ gần như không còn lực để cho vay mà chỉ đợi thu hồi gốc để cho vay tiếp. Ngoài ra, do nguồn lực có hạn nên việc cho vay vốn những lĩnh vực cần ưu tiên theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như: cho vay các hợp tác xã xây dựng nông thôn mới; các hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; xử lý môi trường... chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, không đáng kể so với nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Để đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ phát triển hợp tác xã, giới phân tích cho rằng cần đa dạng hóa các loại hình hoạt động của các định chế tài chính, tín dụng hỗ trợ hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách đất đai, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết sản xuất…Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ tài chính, tín dụng đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách đối với các hoạt động quỹ từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, đa dạng hóa nguồn vốn của các quỹ; nghiên cứu lồng ghép chức năng nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách có tính chất tương đồng về đối tượng hỗ trợ để tập trung nguồn tài chính, con người và cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thời gian qua thể hiện rõ nét và là kênh hỗ trợ tín dụng hiệu quả, góp phần hỗ trợ hoạt động hiệu quả kinh doanh, tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước. Qua khảo sát tại khu vực hợp tác xã không chỉ có nhu cầu vay vốn dài hạn mà cả ngắn hạn để mua trang thiết bị vật tư, thuê lao động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2017-QĐ-Ttg về việc phấn đấu đến năm 2018 Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã sẽ đạt 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng. Theo tổng hợp nhu cầu thống kê thì từ nay đến cuối năm nhu cầu về vốn của các hợp tác xã cần khoảng 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển là một việc làm rất cần thiết. Điều này xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước từ Nghị quyết Trung ương 5, Kết luận 56 của Bộ Chính trị và Luật Hợp tác xã 2012. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết 32 của Chính phủ về phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 15.000 hợp tác xã trên cả nước hoạt động hiệu quả. Do vậy, việc bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là việc làm cấp bách và cần thiết, qua đó góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Liên minh Hợp tác xã phấn đấu đến năm 2020 sẽ cho vay tới 400 hợp tác xã với tổng nguồn vốn 1.000 tỷ đồng và đến năm 2015 là 3.000 tỷ đồng với mục tiêu sử dụng vốn hiệu quả tới 98%, quá hạn là 2%. Hiện tại, Liên minh Hợp tác xã đã có đề án trình Chính phủ và đề xuất bổ sung vốn theo lộ trình cũng như đề ra phương án làm sao sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Nếu được Nhà nước cấp vốn bổ sung, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã sẽ phát huy hết vai trò là kênh hỗ trợ cho các hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thông qua đó, giảm tình trạng vay nặng lãi tạo nền tảng, mở rộng đối tượng vay và đáp ứng nhu cầu vốn lớn của hợp tác xã ngay cả ngắn hạn và trung hạn để khu vực hợp tác xã phát triển mạnh và bền vững. (còn tiếp

Uyên Hương

Có thể bạn quan tâm