Thận trọng kích hoạt dịch vụ để tránh bị “móc túi”

Thận trọng kích hoạt dịch vụ để tránh bị “móc túi”
Có ý kiến cho rằng, thị trường hiện không chỉ có Sam Media mà còn nhiều đơn vị khác cũng đang “âm thầm” tự ý đăng ký dịch vụ và trừ tiền khách hàng hàng tháng.
Quảng cáo lập lờ để trục lợi
Theo website chính thức của Sam Media tại địa chỉ: www.sam - media.com, công ty này được thành lập năm 2006 có trụ sở chính ở Hồng Kông và là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực marketing và kiếm tiền trên di động. Sam Mobile cung cấp nhiều dịch vụ như: Game, ứng dụng, video, truyền hình... theo hai mô hình B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp - người dùng) tại hơn 30 quốc gia trên 5 châu lục.
Được sự ủy quyền của Văn phòng đại diện Sam Media Limited tại Hà Nội, Sam Media đã hợp tác với 3 công ty tại Việt Nam là: Công ty cổ phần (CP) Đầu tư ACOM, Công ty CP Truyền thông VMG và Công ty CP Truyền thông Gapit cung cấp dịch vụ nội dung (CP) trên mạng qua các đầu số tin nhắn ngắn.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TT - TT Hà Nội cho biết: Sam Media đã cung cấp dịch vụ qua đầu số tin nhắn ngắn là 8926, 8969... nhưng tin nhắn quảng cáo chỉ hiển thị cách thức hủy dịch vụ trong lần đầu tiên nên người dùng hầu hết không để ý. Và, dịch vụ đã tự động gia hạn bằng loạt tin nhắn quảng cáo khiến nhiều khách hàng đã bị trừ tiền 5.000 - 10.000 đồng/ngày trong tài khoản.
Thận trọng kích hoạt dịch vụ để tránh bị “móc túi” ảnh 1
Những tin nhắn quảng cáo ngắn từ các đầu số âm thầm móc túi người dùng.

Nhiều thuê bao chia sẻ, họ đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền của Sam Media. Các tin nhắn gửi từ các đầu số đến máy của thuê bao hàng ngày là các tin nhắn rác nên không biết đó là tin nhắn dịch vụ mất tiền. “Bản thân tôi rất nhiều lần phải gọi tổng đài của MobiFone để họ liệt kê các dịch vụ tôi không hề dùng nhưng vẫn hiển thị trên hóa đơn do thấy cước phí có lúc tăng bất thường”, khách hàng Việt Hà, phố Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói. Còn chị Nguyễn Thị Bích (Đầm Trấu) Hà Nội cũng thắc mắc: “Dù đã gọi tổng đài MobiFone báo hủy nhưng không hiểu sao một thời gian sau, một số dịch vụ nội dung đó lại được kích hoạt”.
Theo các chuyên gia TT - TT, những chiêu mà Sam Media “dụ dỗ” khách hàng là mời chào cơ hội trúng thưởng máy điện thoại, máy tính bảng, thẻ điện thoại trên Internet với phương thức quảng cáo sử dụng Landing Page (trang đích). Theo đó, toàn bộ công đoạn quảng cáo từ khách hàng đến trang đích của Sam Media (tên miền là vn - mozzi.biz/vn) do đối tác có thương hiệu Avazu thực hiện. Các nội dung quảng cáo trúng thưởng được thiết kế có dạng biểu tượng các sản phẩm và câu hỏi vui để người dùng tham gia trả lời, làm theo hướng dẫn và đã “vô tình” sử dụng dịch vụ trả tiền của Sam Media từ lúc nào không hay.
Chỉ được cung cấp khi khách hàng đăng ký gia hạn
Thông qua nhiều chiêu tiếp cận, mời chào nên từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016 khách hàng của Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã phải trả tới hơn 230 tỷ đồng; số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại thời điểm ngày 19/7/2016 là 93.735 khách hàng. “Trong số khách hàng này cũng có những khách hàng tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng nên nếu nói hơn 93.000 khách hàng bị lừa đảo, bị Sam Media móc túi là hoàn toàn không chính xác”, đại diện Sở TT - TT nói.
Sở TT - TT Hà Nội vừa kiến nghị Bộ TT - TT chỉ đạo các doanh nghiệp thông báo ngay cho các khách hàng hiện có trên hệ thống về những dịch vụ mất tiền qua các đầu số và chỉ được tiếp tục cung cấp khi khách hàng đồng ý đăng ký gia hạn dịch vụ theo đúng quy định. Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác với các nội dung quảng cáo tương tự như trên và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi sử dụng điện thoại di động.
Theo các chuyên gia CNTT, sở dĩ mức phạt đối với Sam Media không thể lớn vì công ty này đã lợi dụng sự hạn chế hiểu biết về công nghệ thông tin (CNTT) của người dùng cũng như văn bản pháp lý Việt Nam còn thiếu chặt chẽ.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, Bộ TT - TT vừa ban hành Thông tư 17 về Quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung trên di động (có hiệu lực 12/8/2016). Theo đó, các đơn vị cung cấp nội dung phải thông báo cho khách hàng đang sử dụng trả phí trên đầu số và chỉ tiếp tục cung cấp nếu khách hàng đồng ý, gia hạn.
Đai diện của VinaPhone cũng cho biết, hiện công ty chưa nhận được văn bản chính thức nào về vụ việc này, tuy nhiên nhà mạng đang yêu cầu 3 đơn vị trung gian có hợp tác với Sam Media để giải trình sự việc. Nếu có dấu hiệu sai phạm sẽ xử lý và chấm dứt hợp đồng.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, tùy vào từng trường hợp cụ thể mới nói được trách nhiệm của các đơn vị, nhà mạng trong việc hoàn tiền cho khách hàng. Nếu khách hàng có sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng, có tải phần mềm, chơi game thì phải trả phí. Nếu do lỗi phần mềm, dịch vụ tự cài đặt mà khách hàng không biết, không sử dụng thì các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm. Tuy nhiên bản thân ông Đức cũng băn khoăn, ngay bản thân mình cũng không biết hàng tháng có bị trừ cước phí vì các dịch vụ nội dung hay không? Vì khi thanh toán hóa đơn thường trả tổng tiền, nhất là thanh toán cho công ty thì càng không thể kiểm soát được.
Theo ông Đức, nhà mạng phải có trách nhiệm kiểm soát, thậm chí những tin nhắn có nội dung nhạy cảm, nhà mạng cũng có thể ngăn chặn được. Nhiều năm qua, báo chí cũng đã phản ánh nhiều về những khách hàng bị tính cước một cách vô cớ nên không thể nói là cơ quan chức năng, nhà mạng không biết?
“Trong khi đó, tỷ lệ phân chia doanh thu của các dịch vụ nội dung qua tin nhắn như sau: Nhà mạng sẽ lấy khoảng từ 60 - 70% doanh thu, trong tổng số doanh thu còn lại đơn vị cung cấp đầu số hưởng 10 - 15%, phần cuối cùng thuộc về doanh nghiệp nội dung (Sub CP). Khi đăng ký đầu số đều phải khai báo với CP và nhà mạng nhưng khi có thay đổi thì theo lý thuyết phải khai báo lại nhưng không nhiều đơn vị thực hiện nghiêm túc”, một chuyên gia trong lĩnh vực nội dung số nói.

Có thể bạn quan tâm