Tăng viện phí tại 16 tỉnh, thành phố

Tăng viện phí tại 16 tỉnh, thành phố
Sẽ tăng khoảng 18%

Trước đó, theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành, việc điều chỉnh viện phí thực hiện theo hai bước: Bước 1 bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (đã được thực hiện từ ngày 1/3/2016); Bước 2, mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 và chi phí tiền lương được thực hiện từ 1/7/2016 (tăng khoảng 18% so với mức giá hiện nay chưa tính tiền lương).
 
Tăng viện phí tại 16 tỉnh, thành phố ảnh 1
Lần tăng viện phí này chưa tác động đến người chưa có thẻ BHYT. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN.

Về lộ trình thực hiện bước 2, Liên Bộ đã thống nhất phương án điều chỉnh bước 2 thành 4 đợt nhưng không chọn thời điểm tháng 9/2016 vì là đầu năm học mới. Mặt khác, chia mỗi đợt tăng viện phí sẽ áp dụng cho khoảng 15-16 tỉnh, thành phố. Như vậy, tác động vào CPI khoảng 0,4-0,6%/đợt, tương đương khoảng dưới 2% cho cả 4 đợt điều chỉnh.

Cụ thể, đợt 1, thực hiện tăng viện phí trước ngày 15/8/2016 tại 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 85% như: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa-Thiên Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.

Theo phân tích của Bộ Tài chính và Tổng Cục thống kê, đây là thời điểm thích hợp vì giá xăng dầu tiếp tục giảm, do chưa vào năm học mới nên tránh được tác động cộng hưởng đến CPI của giá dịch vụ giáo dục; hơn nữa CPI đang ở mức thấp (có khả năng âm). Dự kiến việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động vào CPI khoảng 0,3%, giữ được mức lạm phát trong phạm vi cho phép.

Còn 3 đợt tăng viện phí tiếp theo Bộ Y tế sẽ đề xuất trình Chính phủ và có thông báo đến các đơn vị, địa phương theo quy định của Thông tư 37.

Năm 2018, mới xem xét điều chỉnh mức đóng BHYT

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí này mới chỉ áp dụng đối với người có thẻ BHYT; chưa áp dụng với người không có thẻ BHYT. Đặc biệt, về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, người cận nghèo... Các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do BHXH thanh toán.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cũng khẳng định, tăng viện phí, các bệnh viện sẽ có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế; thúc đẩy xã hội hóa y tế; bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư trong thời gian vừa qua. Việc tính tiền lương vào giá sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với việc tăng viện phí lần này, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến 2017, từ 2018 sẽ xem xét việc cân đối quỹ để điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (Luật quy định tối đa 6% lương, hiện nay đóng 4,5% lương). Tiến tới, khi điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ BHYT sẽ thúc đẩy đối tượng này tham gia BHYT.

Để hạn chế tác động tiêu cực đến người dân khi viện phí tăng dần theo hướng tính đúng, tính đủ, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh thành lập lại Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo quy định. Chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh, thực hiện luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm vừa nâng cao trình độ chuyên môn các tuyến, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, chỉ đạo các bệnh viện có chênh lệch thu lớn hơn chi phải trích Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh để có nguồn hỗ trợ cho người bệnh trong trường hợp khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đang triển khai quyết liệt kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, các giải pháp để xây dựng cơ sở y tế "Xanh - Sạch - Đẹp", cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh buồng bệnh, chấn chỉnh hoạt động các dịch vụ như bảo vệ, trông xe, vận chuyển, nhà thuố,… trong các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có giải pháp quyết liệt để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, Bộ Y tế cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT.

Có thể bạn quan tâm