Tăng thu nhập từ nông nghiệp công nghệ cao ở Long An

Tăng thu nhập từ nông nghiệp công nghệ cao ở Long An
Những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao

Sau gần 2  năm thực hiện Nghị quyết về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu về sản xuất nông nghiệp. Nhiều vùng chuyên canh cây trồng như thanh long, lúa, chanh, bắp, mè, rau màu ứng dụng công nghệ cao đã dần được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hợp tác xã thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành - tỉnh Long An) có 70 xã viên, với diện tích trực tiếp sản xuất hơn 60 hecta. Nhờ làm ăn hiệu quả,đặc biệt là Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất cây thanh long nên chất lượng trái thanh long được ổn định, được khách hàng tín nhiệm, giá thanh long của Hợp tác xã luôn cao hơn gấp 2 lần so với giá bình chung; thu lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/ha/năm.

Anh Trương Quang An, chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Tầm Vu, cho biết: Hợp tác xã đặc biệt quan tâm việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với xã viên, trồng thanh long đúng qui trình kỹ thuật, sản xuất an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn Việt GAP, chất lượng và hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Hợp tác xã và xã viên luôn đoàn kết, nhất trí chăm lo làm ăn để cùng vươn lên làm giàu. Hợp tác xã vừa xây dựng trụ sở mới khang trang, có sân, xưởng đóng gói bao bì, có nhà kho. Bà con xã viên hết sức phấn khởi và tin tưởng vào tính hiệu quả trong cung cách làm ăn mới. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, không sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn ViệtGAP nên đã xuất qua các thị trường khó tính đòi hỏi cao về chất lượng nhưng giá cao như : Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu’’.

Hiện tại, tỉnh Long An  đã có 1.450ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó: sử dụng máy cấy 450ha, san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer 1.000ha lúa sản xuất theo VietGAP có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Về sản xuất cây rau, Long An đã triển khai xây dựng hơn 500ha sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất rau với 249 hộ tham gia tại 4 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa. Các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hơn 500 triệu/ha/năm so với bình quân khoảng 200 triệu /ha/năm không áp dụng công nghệ cao.

Tỉnh Long An đang thực hiện dự án phát triển nuôi hơn 5.000 con bò thịt chất lượng cao ở 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, toàn bộ vốn đầu tư là của tư nhân, với 70 ha bao gồm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, trung tâm sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; các phương tiện hỗ trợ khác như: khu xử lý nước, khu xử lý nước thải, cơ sở sản xuất phân hữu cơ.

Thực hiện liên kết 4 nhà hiệu quả

Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết: " Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết 4 nhà một cách hiệu quả. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hợp tác trong sản xuất lớn, bền vững và là chủ thể quan trọng trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn. Tỉnh tăng cường công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hệ thống thủy lợi, trung tâm sản xuất giống…’’.

Tỉnh Long An cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười (tại thị xã Kiến Tường) để làm đầu mối cung cấp dịch vụ ươm công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tỉnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trên lĩnh vực giống cây trồng và vật nuôi, bao gồm yêu cầu xây dựng hệ thống vệ tinh sản xuất nhân giống trong dân. Trọng tâm là công tác chọn lọc, lai tạo giống bằng công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất GAP; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản chính của tỉnh. Tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi các nhà khoa học trẻ và tài năng về địa phương công tác.

Tỉnh Long An đang có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất rau khép kín theo công nghệ Nhật Bản như Công ty TNHH MTV RRFARN Green Rarm tại Khu công nghiệp Long Hậu huyện Cần Giuộc; một doanh nghiệp trong nước là Công ty TNHH Huy Long An về nuôi bò Úc vỗ béo kết hợp với trồng trọt theo hướng canh tác hữu cơ (không sử dụng hóa chất). Đây là 2 mô hình có triển vọng với đầu ra nông sản rất thuận lợi. Công ty TNHH Huy Long An cũng đầu tư trồng hơn 150ha chuối ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đức Huệ, sản phẩm chuối chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giuộc, cho biết: " Huyện Cần Giuộc được tỉnh quy hoạch là vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân trong vùng dự án đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, tạo sức lan tỏa phát triển ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.  Bà con nông dân địa phương rất phấn khởi và tích cực tham gia vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hơn 2.000 hộ nông dân đã tham gia chương trình này. Có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng này...’’.
Trần Hữu Hiếu 

Có thể bạn quan tâm