Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Bài 3)

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Bài 3)
Tin liên quan:
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Bài 1)
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Bài 2)
Để cộng đồng hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã thực hiện loạt bài nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) với chủ đề “Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm” đi sâu phân tích thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và hoạt động tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Bài 3: Giải pháp dự phòng thiếu vi chất

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao, có tính bền vững nhằm giảm thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng cần thiết được thực hiện bằng cách đưa thêm vào bữa ăn, người dân có thể dễ dàng tìm mua nhóm các vi chất này ở chợ, cửa hàng, tạp hóa, siêu thị…
Nhân viên y tế phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trung cho trẻ uống Vitamin A. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
 Nhân viên y tế phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trung cho trẻ uống Vitamin A. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Tăng cường i-ốt vào muối 

Thạc sỹ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: Tăng cường i-ốt vào muối đã được triển khai thành công nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam (giai đoạn 1999-2005). Kết quả điều tra năm 2005 cho thấy 92,8% dân số Việt Nam tiêu thụ muối có i-ốt. Đặc biệt, Nghị định toàn dân sử dụng muối i-ốt và mọi loại muối ăn được i-ốt hóa đã được Chính phủ Việt Nam thông qua năm 1999 và triển khai hiệu quả. 

Toàn quốc hiện có 21 tỉnh, thành phố gồm 41 huyện, 118 xã có nghề sản xuất muối và có trên 66 cơ sở sản xuất muối ăn tinh, muối sạch, trong đó có muối i-ốt. Hiện nay, hầu hết các nhà máy sản xuất muối i-ốt tập trung tại các tỉnh sẵn có hoặc gần các nguồn muối nguyên liệu, thuận tiện vận chuyển như: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Ninh Thuận… Nhằm bảo đảm muối i-ốt lưu thông trên thị trường đạt chất lượng phòng bệnh, từ trước năm 2005 đến nay, chương trình phòng chống rối loạn do thiếu i-ốt vẫn thực hiện duy trì chặt chẽ việc giám sát chất lượng muối i-ốt tại cả 3 khâu gồm: nơi sản xuất (nhà máy), thị trường và hộ gia đình. Theo báo cáo của các tỉnh, từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ bao phủ muối i-ốt luôn đạt trên 90%. Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn có tỷ lệ bao phủ thấp như: Ninh Bình, Thái Bình, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Hà Tĩnh… Như vậy, tình hình sử dụng muối i-ốt không đồng đều ở các địa phương trong cả nước. 

Bổ sung vitamin A vào dầu ăn 

Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ: Mức tiêu thụ dầu ăn của người dân Việt Nam có xu hướng tăng, phân bố rộng rãi, sản xuất tập trung. Các thành phần trong dầu chậm oxy hóa, cho phép giữ được hàm lượng vitamin A cao nhất sau quá trình vận chuyển, bảo quản và nấu nước. Chi phí cho việc tăng cường vitamin A vào dầu ăn ước tính khoảng 2 USD/tấn. Giá thành tăng cường vitamin A vào dầu ăn tăng khoảng 0,012 USD/người/năm. Hiện có gần 20 nước trên thế giới thực hiện tăng cường vitamin A bắt buộc vào dầu ăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng cường vitamin A vào dầu ăn cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe của người dân thông qua cải thiện tình trạng vitamin A của cơ thể. 

Cụ thể, quy trình tăng cường vitamin A vào dầu ăn được thực hiện sau khi đã hoàn thành quá trình tinh luyện và ngay trước công đoạn đóng chai. Vitamin A được phối trộn với dầu trong các thùng khuấy được công ty sử dụng đầu tiên cho việc trộn các chất phụ gia bảo quản vào dầu. Quy trình công nghệ tương đối đơn giản và các công ty dầu ăn hiện nay đều đã có sẵn trang thiết bị để thực hiện tăng cường vitamin A trong dầu ăn. Cụ thể các nhãn hàng dầu ăn đã được bổ sung vitamin là: Dầu ăn Marvela, Maggarine, dầu ăn Season, dầu ăn Voca, dầu cá Rannee, dầu ăn Kiddy… 

Tăng cường sắt vào xì dầu, nước mắm 

Thạc sỹ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) nhấn mạnh: Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng năm 2009-2010, mức tiệu thụ nước chấm (xì dầu, nước mắm…) là 14g/người/ngày. Chính vì vậy, việc bổ sung sắt vào xì dầu, nước mắm là cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. 

Nghiên cứu về hiệu quả của nước tương (xì dầu) bổ sung sắt đối với thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt cho thấy nước tương bổ sung sắt cải thiện đáng kể tình trạng sắt (chỉ số Hb và ferritin huyết thanh) ở trẻ em sau 6-12 tháng. Đặc biệt, việc bổ sung vi chất sắt vào nước tương (xì dầu) không làm ảnh hưởng tới cảm quan (màu sắc, mùi vị) của sản phẩm và có tác dụng phòng chống thiếu máu do thiếu sắt tại nước ta. Hiện nay, nước tương (xì dầu) được sản xuất tương đối tập trung tại Việt Nam chủ yếu từ các công ty thực phẩm gia vị lớn nên dễ dàng để tăng cường sắt vào xì dầu. Quy trình sản xuất nước tương bổ sung sắt cũng tương đối đơn giản. 

Thạc sỹ Trần Khánh Vân khẳng định: Ngoài nước tương, nước mắn có bổ sung chất sắt cũng không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nước mắm tăng cường sắt có sự thay đổi về màu sắc, cụ thể là đậm hơn so với nước mắm bình thường. 

Kết quả nghiên cứu gần đây trên 433 phụ nữ tuổi sinh đẻ tại 2 xã vùng nông thôn sử dụng nước mắm tăng cường sắt hàng ngày cho thấy: Sau 12 tháng tỷ lệ thiếu máu giảm 8,3% (từ 24,7% xuống 16,4%); tỷ thiếu sắt cạn kiệt giảm 15% (từ 20,6% xuống 5,6%)… Đặc biệt, hiệu quả đạt cao nhất sau 18 tháng can thiệp, tỷ lệ thiếu máu đã giảm 15,6%. Điều này mở ra triển vọng mới cho Việt Nam trong việc tăng cường sắt vào nước mắm để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt cho người dân. 

 Theo Bộ Y tế: Vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm gồm: I-ốt, kẽm và vitamin A. Thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng như: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp... Hiện nay, trên thế giới có trên 100 nước đã có qui định bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và coi đây là biện pháp can thiệp có hiệu quả nhất…
Thu Phương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm