Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững

Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững
Tọa đàm nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri trong triển khai chính sách pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; khẳng định vai trò của công tác bảo vệ thực vật trong việc phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững; làm rõ vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của nhân dân nhằm thực thi pháp luật về bảo vệ thực vật, góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
 
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông
Toàn cảnh Tọa đàm.  Ảnh: Duy Thông

Các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung thảo luận ba vấn đề chính: Vai trò của thuốc bảo vệ thực vật trong nền nông nghiệp Việt Nam; thực trạng quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thuốc bảo vệ thực vật với phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết: Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp, có tác dụng phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng và nông sản. Trên thế giới, thuốc bảo vệ thực vật đã được dùng từ nhiều thập kỷ qua. Tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật đã được dùng từ năm 1955 và đến nay vẫn là một loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, gần 100% các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại. 

Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, thuận lợi cho sự phát triển các loại cây trồng đa dạng, năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng cũng là điều kiện phát sinh, phát triển sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Ông Hoàng Trung , Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, phát triển nông nghiệp hàng hóa và xuất khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng. Trước đây cũng như hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật luôn là một trong những biện pháp chính ngăn chặn các đợt dịch bùng phát. 

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng, cùng với xu hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa ngày càng mạnh, sản xuất phải thâm canh để tăng sản lượng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách sẽ tác động đến vấn đề môi trường như: Mất cân bằng sinh thái, kéo theo sự phá hoại của dịch hại ngày càng tăng, mất an toàn thực phẩm, tác động tiêu cực đến sức khỏe, tuổi thọ của người dân. 

Theo ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để phát triển nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân về hệ thống các văn bản, chính sách, quy định trong lĩnh vực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên đồng thuận, chia sẻ rủi ro với nông dân trong các vấn đề về năng suất, sản lượng, nhu cầu xuất khẩu… Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, giá cả của sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp và nông dân cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. 

Tiến sĩ Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng cho rằng, từ góc độ các đơn vị sản xuất kinh doanh, bản thân các doanh nghiệp nên liên tục đổi mới, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các tập đoàn kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở nước ngoài để phát triển các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, góp phần gìn giữ sức khỏe cộng đồng. 
Hiền Hạnh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm