Sơn La phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Một điểm tái định cư ở xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Một điểm tái định cư ở xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Ông Sồng A Tủa, dân tộc Mông ở bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, năm nay 52 tuổi nhưng có tới hơn 20 năm làm Trưởng bản. Ông Tủa là người đã vận động dân bản định canh, định cư, làm ruộng bậc thang để trồng lúa, không phá rừng làm nương rẫy. Không những thế, ông còn vận động dân bản đóng góp tiền, ngày công để làm hơn 4km đường bê tông từ bản đến xã. Nhờ thế, cuộc sống của người dân bản Pha Luông ngày càng ấm no, không còn thiếu đói, từ một bản có 32 hộ nghèo, đến nay chỉ còn lại 3 hộ nghèo. Pha Luông cũng không còn là bản đặc biệt khó khăn. Ông Tủa chia sẻ, để người dân tin và nghe theo, trước hết mình phải làm gương, lời nói phải đi đôi với việc làm. Đến nay, diện tích ruộng bậc thang trồng lúa của bản đã đủ ăn. Trung bình mỗi năm các hộ gia đình có khoảng 200 bao thóc. Ngoài ra, được sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, dân bản có thêm cây trồng, vật nuôi. Hiện, cả bản đã trồng được hơn 2 ha xoài, 26 ha táo mèo. Pha Luông là bản duy nhất trong khu vực không phá rừng trồng ngô. Trong hơn 20 năm qua, ông Tủa thường xuyên vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, không để diễn biến phức tạp về an ninh trật tự. Pha Luông là bản biên giới, nhưng những năm qua không trường hợp nào truyền học đạo trái phép, không di cư tự do và không vượt biên trái phép. Những trường hợp dính vào tệ nạn ma túy, ông thường xuyên đến tận nhà vận động, giải thích nhẹ nhàng cho họ hiểu và nghe theo. Nhờ thế mà đến nay cả bản Pha Luông chỉ có 2 người nghiện ma túy, còn các vi phạm pháp luật khác rất ít – ông Tủa bộc bạch. Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn Phan Thanh Hoằng cho biết, ông Tủa là người có tiếng nói rất quan trọng ở bản Pha Luông, được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản nhiều năm. Gia đình ông không có ai vi phạm pháp luật. Năm 2016 - 2017, gia đình ông Tủa là hộ dân tộc Mông đầu tiên ở xã Chiềng Sơn thực hiện thành công mô hình trồng cây chanh leo. Trong xây dựng nông thôn mới, ông Tủa luôn là người đi đầu vận động nhân dân thực hiện. Đặc biệt, trong công tác hòa giải, ông đã trực tiếp giải quyết các mâu thuẫn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Anh Giàng A Phộng, người dân bản Pha Luông cho biết, hơn 20 năm làm Trưởng bản, ông Tủa rất quan tâm đến người dân, tích cực vận động và giúp đỡ nhiều gia đình tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế. Gia đình ông Tủa cũng có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tại địa phương; gương mẫu và được dân bản học tập, làm theo. Ông Tủa thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân, ai nghèo phải vươn lên cho giàu và người giàu phải là tấm gương, phải giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế. Bản Pha Luông bây giờ nhà ai cũng đủ ăn, đủ mặc, con cháu được đi học đầy đủ, đường bê tông vào bản đi lại rất thuận tiện, anh Phộng cho biết thêm. Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu Hà Văn Lý cho biết, toàn huyện có 159 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Họ được dân bản bình xét, lựa chọn và có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, cũng như góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Theo ông Lường Văn Toán, Phó ban Dân tộc tỉnh Sơn La, để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín cũng như khích lệ, động viên họ, cần có cơ chế hỗ trợ tiền công tác phí. Hiện nhiều trường hợp người có uy tín được trưng tập tham gia giải quyết các sự việc nhiều ngày nhưng không có chế độ gì. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có uy tín, chưa có sự phối hợp thống nhất giữa ngành công tác dân tộc với Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc, dẫn đến chồng chéo. Do đó, cần nghiên cứu và có quy chế, quy định cụ thể về hoạt động của người có uy tín. Từ đó, các cấp, các ngành mới quản lý và có căn cứ đánh giá quá trình hoạt động, cũng như sự cống hiến của người có uy tín. Cũng theo ông Lường Văn Toán, hiện nay quy định một bản, một tiểu khu cứ có 1/3 dân số là người dân tộc thiểu số thì được bình chọn và được công nhận một người có uy tín. Tình trạng này dẫn đến việc bầu chọn ồ ạt, chưa phản ánh đúng với thực tế. "Theo tôi, bản nào xứng đáng được bầu chọn người có uy tín thật sự thì mới bầu. Nếu xét theo quy định bầu chọn hiện nay thì rất dễ xảy ra trường hợp người được công nhận người có uy tín nhưng thật sự chưa phải người có uy tín" – ông Toán nhấn mạnh.
Nguyễn Chiến – Hữu Quyết

Có thể bạn quan tâm