Nhức nhối vấn nạn tảo hôn ở Sơn La

Nhức nhối vấn nạn tảo hôn ở Sơn La
Mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Sơn La đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó, nhức nhối nhất là vấn nạn tảo hôn diễn ra tại các huyện, thành phố. Năm 2017, tỉnh Sơn La có gần 1.500 cặp tảo hôn trên tổng số khoảng 8.000 cặp kết hôn, tập trung vào đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Những khó khăn hiện hữu

Gia đình của Hờ Thị Chư (sinh năm 2000) và chồng là Giàng A Việt (sinh năm 1998) thuộc hộ nghèo nhất nhì tại bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Cả gia đình gồm hai vợ chồng, bố mẹ già và các con nhỏ sống trong căn nhà tranh, cheo leo trên sườn đồi. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá ngoại trừ mấy chiếc xoong, nồi gác bếp. Vào mùa mưa, không ai thuê làm nương, cả gia đình 6 miệng ăn chỉ trông vào bao tải ngô dự trữ. 

Em Hờ Thị Chư (sinh năm 2000) và chồng là Giàng A Việt (sinh năm 1998), lập gia đình năm 2015, khi cả hai chưa đủ tuổi kết hôn, hiện sống cùng bố mẹ và hai con trong căn nhà cheo leo trên sườn đồi tại bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Em Hờ Thị Chư (sinh năm 2000) và chồng là Giàng A Việt (sinh năm 1998), lập gia đình năm 2015, khi cả hai chưa đủ tuổi kết hôn, hiện sống cùng bố mẹ và hai con trong căn nhà cheo leo trên sườn đồi tại bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Hờ Thị Chư tâm sự, hoàn cảnh gia đình hiện rất khó khăn. Hai vợ chồng lấy nhau năm 2015, khi cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Bây giờ, đã đủ tuổi kết hôn, cả hai phải lo kiếm cái ăn qua ngày nên không biết đến khi nào mới có điều kiện đi làm giấy đăng ký. Hai con nhỏ, đứa lớn 3 tuổi, đứa bé chưa đầy 6 tháng tuổi vì thế cũng khổ theo. Các con không có giấy khai sinh, lúc ốm đau chỉ biết nhờ đến ông lang, bà mé trong bản chứ không có bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh tại bệnh viện. Sức khỏe của các con cũng không được như những đứa trẻ khác.

Vào mùa mưa, không ai thuê làm nương, gia đình em Hờ Thị Chư (SN 2000) gồm 6 miệng ăn chỉ trông vào ngô dự trữ. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Vào mùa mưa, không ai thuê làm nương, gia đình em Hờ Thị Chư (SN 2000) gồm 6 miệng ăn chỉ trông vào ngô dự trữ. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Không khó khăn như gia đình của Hờ Thị Chư, gia đình Giàng Thị Gánh (sinh năm 2001) và chồng là Sồng A Giống (sinh năm 1996) thuộc hộ khá tại bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Được bố mẹ lo cho ăn học, nhưng đang học đến lớp 11,  Giàng Thị Gánh bỏ dở đi lấy chồng. Giàng Thị Gánh bộc bạch, tập quán người Mông là lấy vợ, lấy chồng sớm. Nhìn các bạn gái cùng trang lứa đi lấy chồng hết, em sợ yêu nhau lâu, nếu không lấy,  người yêu đi lấy người khác. Dù được nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động không tảo hôn, kết hôn sớm nhưng em vẫn quyết định bỏ học để lấy chồng.

Giàng Thị Gánh cũng cho biết, chồng đã tốt nghiệp phổ thông, hiện đảm nhiệm việc chăm lo vườn chè, tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Em không phải vất vả lo kinh tế nhưng nhiều lúc nghĩ thấy tủi thân. Ở nhà chỉ có hai mẹ con với bốn bức tường, ngày qua ngày hết chăm con ăn rồi lại ngủ. Nhìn các bạn đến trường, em chỉ mong được quay lại lớp học, không lấy chồng sớm để cùng bạn bè thoải mái vui chơi.

Thách thức giảm thiểu tảo hôn

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, huyện Vân Hồ là địa phương có số cặp tảo hôn cao nhất trong tỉnh. Năm 2017, tỷ lệ này chiếm 27,3% và mới nửa đầu năm 2018 đã chiếm gần 26%.

Em Giàng Thị Gánh (sinh năm 2001) lấy chồng là Sồng A Giống (sinh năm 1996) tại bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN
Em Giàng Thị Gánh (sinh năm 2001) lấy chồng là Sồng A Giống (sinh năm 1996) tại bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN

Chị Hà Thị Liên, cán bộ phụ trách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ chia sẻ, việc tảo hôn, kết hôn sớm đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số. Những năm qua, tình trạng này diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là do tư tưởng muốn con em lập gia đình sớm, sinh thêm con cháu để có nhân lực lao động, sản xuất. Cùng với đó, sự phát triển của mạng xã hội tác động vào tầng lớp thanh niên khiến nhiều người không kiểm soát được bản thân, dẫn đến nhiều trường hợp tảo hôn ngoài ý muốn.

Chủ tịch UBND xã Vân Hồ Ngô Văn Dự cho biết, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, 4 xã Vân Hồ, Lóng Luông (huyện Vân Hồ) và xã Pa Cò, Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã chủ động xây dựng quy ước chung của khu vực người dân tộc Mông như quy định về không tảo hôn, kết hôn sớm... Tuy vậy, do trình độ dân trí không đồng đều, người dân chưa nhận thức được hậu quả của việc tảo hôn nên đến nay, quy định chỉ nằm trên giấy.

Cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động không tảo hôn, kết hôn sớm cho thanh niên trong bản. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN
Cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động không tảo hôn, kết hôn sớm cho thanh niên trong bản. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN


Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La Trần Đình Thuận, tảo hôn đang đặt ra thách thức về nâng cao chất lượng dân số, là rào cản trong việc phát triển nguồn lực trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở địa phương. UBND tỉnh Sơn La đã có kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn I (2015 - 2020)". Sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch, đến năm 2017, toàn tỉnh đã có 35 xã và 12 trường học xây dựng, triển khai mô hình về can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ tảo hôn tại tỉnh Sơn La giảm xuống mức 18,5%.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình trên, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đến từng người dân, từng cơ sở. Cần chỉ rõ cho họ thấy lợi ích về chế độ, chính sách trong việc đăng ký kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của pháp luật và ngược lại là hậu quả của việc tảo hôn đối với cá nhân, gia đình, xã hội. Cùng với đó, các địa phương cần phát huy vai trò của cộng tác viên dân số là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng. Bằng việc am hiểu phong tục tập quán, họ chính là “cánh tay nối dài” giúp vận động người dân dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa xã đến từng nhà vận động các cặp đôi đủ tuổi đi làm giấy đăng ký kết hôn. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN
Cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa xã đến từng nhà vận động các cặp đôi đủ tuổi đi làm giấy đăng ký kết hôn. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La Trần Đình Thuận đề xuất, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội bằng việc quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa vi phạm pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, ông Trần Đình Thuận cho rằng cần tăng mức chế tài trong việc xử phạt các trường hợp tảo hôn, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các cá nhân, tập thể vi phạm.
Diệp Anh
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm