Sơn La cảnh báo tình trạng phụ nữ vùng cao bị lừa bán qua biên giới

Sơn La cảnh báo tình trạng phụ nữ vùng cao bị lừa bán qua biên giới
Các đối tượng lừa bán người thường nhắm đến các chị em phụ nữ vùng cao. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Các đối tượng lừa bán người thường nhắm đến các chị em phụ nữ vùng cao. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị G.T.D ở xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, gần một tháng nay đầm ấm hơn vì cô con gái của chị đã may mắn trở về sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Trở về nhà an toàn với bố mẹ nhưng em M.T.L (sinh năm 2004) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại quãng thời gian bị kẻ xấu lừa bán. Trong một lần xuống Quảng Ninh để trông cháu giúp anh trai, M.T.L đã bị bạn của chị họ lừa. M.T.L nhớ lại: Hôm đó, em và chị họ đi uống nước cùng một người bạn, sau đó thì mê man, không biết gì. Lúc tỉnh lại mới thấy cả hai chị em đang ở trên một chiếc xe cùng với nhiều phụ nữ khác. Đi khoảng một ngày, một đêm thì chiếc xe gặp tai nạn, mọi người trong xe liền kêu to, thấy vậy người dân địa phương đã báo công an. Sau khi kiểm tra và biết được những người trong xe từ Việt Nam sang, Công an Trung Quốc đã đưa về để lấy lời khai. Sau đó, em được trao trả về Việt Nam.

“Khi biết mình bị lừa bán sang Trung Quốc em vô cùng sợ hãi và hoảng loạn, nhưng không biết cách nào để thoát được. Đến khi được trả về Việt Nam, em được hỗ trợ đưa lên xe khách về đến trung tâm huyện. Quãng đường từ huyện đến bản còn khoảng 30km nhưng vì háo hức được quay về nhà nên em đi bộ về luôn chứ không báo gia đình ra đón nữa”, M.T.L chia sẻ thêm.
 
Xã Hồng Ngài là một trong những địa bàn có tình trạng phụ nữ vắng mặt không rõ lý do nhiều nhất huyện Bắc Yên. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Xã Hồng Ngài là một trong những địa bàn có tình trạng phụ nữ vắng mặt không rõ lý do nhiều nhất huyện Bắc Yên. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Xã Hồng Ngài là một trong những địa bàn có tình trạng phụ nữ vắng mặt không rõ lý do nhiều nhất huyện Bắc Yên. Theo thống kê, năm 2017 toàn xã có 8 trường hợp vắng mặt; năm 2018 có 12 trường hợp vắng mặt.

Bà Mùa Thị Xinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Ngài cho biết: Độ tuổi của những phụ nữ vắng mặt không rõ lý do hoặc đã xác định được là bị lừa bán thường khoảng từ 17-18 tuổi, về sau xuất hiện thêm những người từ 27 đến 30 tuổi. Trước thực trạng trên, Hội Phụ nữ xã xây dựng kế hoạch xuống cơ sở kiểm tra, tuyên truyền để hội viên, phụ nữ hạn chế việc đi ra nước ngoài. Cụ thể là mời những người đã sang Trung Quốc trở về, nói chuyện cho mọi người cùng nghe, từ đó giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức.
 
Tuyên truyền cho phụ nữ vùng cao Sơn La về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Tuyên truyền cho phụ nữ vùng cao Sơn La về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Theo ông Mùa A Chồng, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài, việc một số  phụ nữ tự ý rời khỏi địa bàn, vắng mặt trong thời gian dài đã gây nhiều dư luận trong nhân dân. Trong số những người vắng mặt, chính quyền xã đã xác định được một số chị, em tự liên hệ với một số đối tượng và đi ra nước ngoài để làm ăn hoặc lấy chồng. Với những trường hợp này, khoảng 50% gia đình biết được tin tức, số còn lại không biết đi đâu. Trước thực trạng này, xã đã thành lập tổ công tác, nắm tình hình trên địa bàn khi có đối tượng lạ mặt xuất hiện, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào, giúp họ tự bảo vệ bản thân để không bị kẻ xấu lừa đi ra nước ngoài.

Huyện Bắc Yên là địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Huyện có gần 11.000 hội viên phụ nữ, trong đó 90% là người dân tộc thiểu số, riêng hội viên người Mông chiếm 50%. Do còn nhiều khó khăn, một số chị em hạn chế về nhận thức nên đã bị một số đối tượng lạ đến dụ dỗ, lôi kéo ra khỏi địa bàn. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Yên Lường Thúy Vinh cho biết, những năm gần đây, Hội đã tập trung chỉ đạo các xã tuyên truyền đến cán bộ, hội viên cảnh giác trước những rủ rê, lôi kéo của các đối tượng xấu. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các đơn vị liên quan như Phòng Giáo dục và Đào tạo mở các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ để nâng cao dân trí; phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ mở các lớp tập huấn, tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La, thời gian qua tình trạng mua bán người, trong đó có mua bán trẻ em tại Sơn La diễn ra phức tạp. Hiện nay, Sơn La có hơn 330 trường hợp công dân là phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương lâu ngày không rõ lý do, nghi bị lừa bán. Trong công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, từ năm 2017 – 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 19 vụ với 30 đối tượng, qua đó đã giải cứu và giúp gần 30 nạn nhân trở về.

Bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La cho biết, đối với các nạn nhân bị mua bán trở về, Hội đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên thường xuyên; đồng thời hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn để giúp các nạn nhân trở về ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La còn làm tốt công tác phối hợp với lực lượng Công an để duy trì, nhân rộng mô hình câu lạc bộ như: Phụ nữ tự tin; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng.
Hữu Quyết
TTXVN

Có thể bạn quan tâm