Sóc Trăng nhân rộng sản xuất nông sản theo hướng an toàn

Sóc Trăng nhân rộng sản xuất nông sản theo hướng an toàn
Anh Triệu Văn Út Nhỏ, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Sóc Trăn) thu hoạch dưa hấu. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Anh Triệu Văn Út Nhỏ, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Sóc Trăn) thu hoạch dưa hấu. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, hiện sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi, sản xuất theo quy hoạch và hệ thống kênh mương được nạo vét cung cấp đủ nước tưới cho mùa khô, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn… Rau màu chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái thu gom và các vựa rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Như mô hình trồng rau an toàn của Tổ hợp tác Ngọc Minh, tại ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên đang phát huy hiệu quả. Mô hình này được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, hỗ trợ một phần kinh phí đối với các mô hình nhà lưới, màng phủ nông nghiệp. Hiện Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Minh có 31 tổ viên, sản xuất tổng diện tích 92.500 m2 với các mô hình trau an toàn trong nhà lưới và trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, riêng mô hình trồng rau trong nhà lưới là 7.500m2, ước chi phí đầu tư cho 1.000m2 nhà lưới khoảng 100 triệu đồng bao gồm cọc, dàn khung và lưới che. Theo các xã viên thực hiện trồng rau trong nhà lưới của Tổ hợp tác Ngọc Minh, từ khi tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản xuất rau an toàn có giá trị kinh tế cao hơn 30% so với trồng rau bình thường. Trong 1 năm, bà con có thể trồng từ 4 vụ đến 5 vụ các loại rau màu. Mỗi vụ, sau khi trừ chi phí bà con thu lợi nhuận trên 14 triệu đồng/công (1.000m2). Trước mắt, các mô hình trồng rau an toàn tuy có nhiều thuận lợi như nhanh bán được hàng, giá cao hơn nhưng lại lệ thuộc vào thương lái. Một số loại như: dưa chuột, bầu, bí, mướp không trồng được trong nhà lưới… Do đó các thành viên tổ hợp tác mong muốn các ngành chức năng có thể hỗ trợ đầu ra để họ an tâm tham gia sản xuất theo mô hình rau an toàn. Ông Trần Sên ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cho biết, gia đình ông đã trồng rau theo truyền thống hơn 40 năm qua, trước đây do không biết trồng rau an toàn nên thu hoạch không đúng thời gian phun thuốc an toàn. Nay nhờ ngành nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn, ông đã  trồng rau sạch cho lợi nhuận cao hơn nhiều trong khi thương lái cũng thích mua hơn so với rau trồng trước đây. Mong muốn của ông là trồng rau sạch bán được giá cao hơn 50% so với trồng truyền thống mới tương xứng công sức người nông dân và được đảm bảo đầu ra ổn định… Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong năm 2019, tỉnh sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn và mô hình nhà lưới, phát triển từ 47 nhà lưới hiện nay lên 67 nhà lưới, để đáp ứng nhu cầu rau an toàn trong tỉnh. Do tâm lý của nhà nông là sợ đầu tư nhưng không có đầu ra và chờ người khác làm trước, do vậy Sở sẽ hỗ trợ người dân khoảng 30% chi phí, giúp cho một số nông hộ tham gia trước, hỗ trợ người dân trong việc thu mua rau, thông qua mở rộng mạng lưới tiêu thụ rau an toàn, để người dân thấy được hiệu quả tham gia sản xuất theo mô hình. Cùng với sản xuất rau an toàn, hiện tỉnh Sóc Trăng cũng đã có hàng chục hợp tác xã trồng cây ăn quả như xoài, nhãn ido, bưởi, vú sữa… đang thực hiện theo mô hình sản xuất sạch, tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… Đặc biệt, trong ngày 11/12, tại xã Trinh Phú huyện Kế Sách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng vú sữa tím đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là tín hiệu vui cho nhà vườn Sóc Trăng, nhất là với những hộ trồng vú sữa tại địa bàn Kế Sách. Là một trong những loại cây ăn trái chủ lực nằm trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng thuộc Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, vú sữa đang được nhà vườn vùng ven sông Hậu ở Sóc Trăng phát triển, mở rộng diện tích; trong đó, loại vú sữa tím tại Kế Sách nay đã vượt qua được rào cản kỹ thuật của Hoa Kỳ, được nhà vườn áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến như bao trái, đăng ký mã Code vùng trồng, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap. Lô hàng xuất khẩu vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ gồm 2 tấn quả (với giá 30.000đồng/kg), thông qua Công ty TNHH Vina T&T. Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cũng đã trao chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho vú sữa tím thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú với diện tích 32,7 ha, đạt 30.000 tấn/ha. Dự kiến, trong những ngày tới, Công ty Vina T&T sẽ thu mua sản lượng vú sữa tím là 200 tấn phục vụ xuất khẩu thị trường Hoa Kỳ. Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng vui mừng trước sự kiện lần đầu tiên xuất khẩu lô hàng trái cây đặc sản của tỉnh và cho rằng đây là cơ hội vươn xa sang thị trường nước ngoài của trái cây Sóc Trăng, mở ra triển vọng mới không chỉ cho trái vú sữa mà còn cho các loại cây ăn trái đặc sản khác. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các ngành có liên quan cần tiếp tục chú trọng mở rộng diện tích trồng vú sữa theo hướng VietGAP, ở một số vùng trồng vú sữa tập trung, đảm bảo uy tín thương hiệu vú sữa tím Kế Sách, đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia bao tiêu hoạt động thuận lợi trên địa bàn tỉnh, không chỉ riêng trái vú sữa mà cả các loại trái cây và mặt hàng nông sản khác...
Trung Hiếu

Có thể bạn quan tâm