Ruốc Bạc Liêu "khó" tìm đầu ra

Ruốc Bạc Liêu "khó" tìm đầu ra
Ngư dân Trần Tỷ, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu cho biết, năm nay, ai cũng trúng 6 – 7 chuyến đi biển liên tiếp nên cuộc sống cũng đỡ hơn nhiều. Tuy nhiên, niềm vui ấy cũng chưa trọn vẹn, bởi trúng mùa là giá lại giảm đi từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. 
 
Ruốc tươi vừa đánh bắt từ biển đem về phơi khô bán cho thương lái. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
  Ruốc tươi vừa đánh bắt từ biển đem về phơi khô bán cho thương lái. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Lý giải điều này, nhiều ngư dân cho biết, đó là do con ruốc của Bạc Liêu lâu nay chỉ xuất thô là chính, nên không chủ động về thị trường, bị các thương lái chi phối, ép giá là điều khó tránh khỏi. Thêm vào đó, cả tỉnh hiện nay chỉ có vài ba doanh nghiệp thu mua ruốc tươi để chế biến như làm mắm ruốc của doanh nghiệp Tứ Hải (Đông Hải), còn lại đều mua ruốc khô để xuất bán sang Trung Quốc hoặc các tỉnh. Vì lý do này mà phần lớn con ruốc sau khi khai thác đều được ngư dân phơi khô. 

Mặc dù con ruốc được đánh giá là một trong những nguồn lợi thủy sản của tỉnh, song đến nay, việc phơi con ruốc vẫn dựa vào điều kiện tự nhiên, chứ chưa có lò sấy. Con ruốc hiện vẫn được ngư dân phơi trên tuyến đê biển từ phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu đến Gành Hào, huyện Đông Hải. 
 
Ngư dân cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu phơi ruốc. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Ngư dân cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu phơi ruốc. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Ngoài khó khăn về tiêu thụ, điều đáng tiếc là nhiều năm qua, chưa có đơn vị nào đứng ra giúp ngư dân nâng cao giá trị con ruốc. Trong khi đó, các tỉnh khác lại mạnh dạn ''nhập'' con ruốc của Bạc Liêu để chế biến thành nhiều loại thức ăn như: ruốc sấy, ruốc tẩm gia vị để phục vụ các bữa cơm trong gia đình… Họ chỉ cần đóng gói hay cho vào hộp là giá trị con ruốc tăng lên gấp nhiều lần so với ruốc khô thông thường. Những sản phẩm chế biến từ con ruốc như thế đều có mặt ở các siêu thị, trong khi Bạc Liêu được xem là “mỏ ruốc” lại chưa làm được điều đó./. 

TTXVN

Có thể bạn quan tâm