Rừng ngập mặn giúp giảm sói lở đất và nước mặn xâm nhập

Rừng ngập mặn giúp giảm sói lở đất và nước mặn xâm nhập
Cây con phía trong hàng rào cừ tràm đang tái sinh. Ảnh: Ngọc Dung
Cây con phía trong hàng rào cừ tràm đang tái sinh. Ảnh: Ngọc Dung

Để giúp đỡ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua thực hiện dự án Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) đã giúp đỡ bà con kỹ thuật trồng rừng ngập mặn. Sau  8 năm, mô hình thí điểm trồng rừng ngập mặn bằng hào rào cừ tràm tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã mang lại những kết quả khả quan, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Bà Đỗ Thị Kim Thu, người dân đã sống hơn 25 năm ở đây cho biết, trước đây, khu vực phía Tây biển Kiên Giang, trong đó có huyện Hòn Đất là vùng biển bồi, biển non, thảm thực vật này vẫn tự phát triển, dày tới 500 m chở che cho vùng đồng bằng, khí hậu rất tốt. Nhờ đó, nghề trồng cây ăn quả của gia đình phát triển khá thuận lợi. Với 6000 m2 đất vườn  nhà bà trồng xoài và nhãn, có năm thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng.

Năm 2007, khoảng 1 km hệ thống đê biển bị vỡ do dòng chảy thay đổi dưới tác động của biến đổi khí hậu, sóng bắt đầu đánh bạt từng khoanh rừng ngập mặn, nước mặn vào sâu trong đất canh tác nên người dân ở khu vực Vàm Rầy không sản xuất được, đời sống gặp nhiều khó khăn, người dân phải đi làm thuê làm mướn ở nơi khác.

Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, với sự hỗ trợ của chính quyền, dự án ICMP  đã triển khai trồng rừng ngập mặn tại ấp Vàm Rầy, cây trồng đã sống, rừng được phục hồi, tái sinh và giảm hiện tượng biển lấn sâu vào đất liền, đời sống và sản xuất của người dân nơi đây đã dần dần ổn định. Theo bà Đỗ Thị Kim Thu, từ khi có đê và có rừng ngập mặn, nước biển không vào đất liền, gia đình bà đã trồng được cây và nuôi thủy sản, thu nhập đang từng bước được nâng lên có tháng tới 50-70 triệu đồng. Trước đó, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tổ chức trồng rừng để bảo vệ đê, ngăn nước mặn nhưng không thành công vì sóng quá mạnh nên đã cuốn cây đi.

Bà Võ Thị Kim Thông, Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp Vàm Rầy cho biết, sau khi mất đê, đất đai bị nhiễm mặn khiến người dân không thể canh tác, nên khi có người của dự án bàn về việc ươm vườn cây lấn biển ngăn mặn tất cả 14 hộ dân ở đây đồng ý ngay, chị em phụ nữ tham gia trồng rừng, vận chuyển cây... Hiện nay, ngoài hưởng lợi là từ sản xuất thì chị em còn được giao bảo vệ rừng và được khai thác hải sản trên chính diện tích rừng được giao khoán. Hiện nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập bình quân khảng 40 triệu đồng/năm. Người dân nơi đây đã tự làm ăn trên chính mảnh đất của mình mà không phải đi làm mướn ở nơi khác.

Rừng ngập mặn hạn chế nước biển xâm nhập giúp người dân yên tâm phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Dung
Rừng ngập mặn hạn chế nước biển xâm nhập giúp người dân yên tâm phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Dung

Ông Huỳnh Hữu To, cán bộ kỹ thuật của dự án ICMP tại Kiên Giang cho biết, để trồng rừng thành công, cán bộ kỹ thuật của GIZ đã hướng dẫn bà con làm hàng rào cừ tràm để chắn sóng nhằm ngăn sự xói lở vào bờ và cuốn bùn ra biển, sau đó mới  trồng cây con và đặc biệt là cây con phải được ươm tại chính vùng đất đó nên khả năng cây sống là rất cao. Sau một năm, cây trồng đã cao khoảng 3-4 m và sinh trưởng thành rừng tạo thành bờ đê, giảm sức mạnh của sóng, ngăn nước mặn vào sâu trong đất liền.

Theo ông Nguyễn Tín, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng ngập mặn Hòn Đất- Kiên Lương cho biết, chi phí làm đê bằng bêtông có thể lên tới 30 tỉ đồng/km, mà vẫn bị vỡ hàng năm nếu không có rừng bảo vệ. Ở Việt Nam, thực tế đã chứng minh tại nhiều địa phương, khi bão lớn tràn vào, nơi nào có rừng ngập mặn, nơi đó vẫn còn đê và còn đê thì còn các các công trình và đất nông nghiệp ở trong đê.

 Bên cạnh đó, có rừng ngập mặn sẽ có nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng. Tại ấp Vàm Rầy, nhiều hộ dân đã có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày nhờ vào việc khai thác nguồn lợi thủy sản mà không cần phải đầu tư con giống, không tốn thời gian hay công sức chăm sóc, ông Tín cho biết thêm.

Tuy nhiên, để bảo vệ rừng ngập mặn dự án ICMP đã phối hợp với chính quyền tổ chức tuyên truyền cho người dân tại Vàm Rầy, thành lập mô hình tự quản. Bà con ở Vàm Rầy đứng ra nhận bảo vệ một diện tích rừng ngập mặn, đổi lại các hộ dân bảo vệ rừng sẽ được khai thác con Ba khía, thủy sản trong khu vực rừng ngập mặn do mình quản lý. Theo chị Nga, người dân trong khu vực, nguồn lợi kinh tế từ thủy sản mang lại chưa cao nhưng với lợi ích mà rừng ngập mặn mang lại trong việc đảm bảo sinh kế và đời sống của người dân tại ấp Vàm Rầy đã thấy rõ, chính vì lẽ đó mà dự án đã được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân tại địa phương.

Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm các mô hình để ứng phó và chuyện ở Vàm Rầy đang được xem là một cách làm đáng suy nghĩ để nhân rộng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhưng qua kinh nghiệp và thực tế thì hiện tượng sói lở đất sẽ giảm bớt ở những nơi nào có rừng, ông Tín nói./.

Có thể bạn quan tâm