Quy hoạch lại hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch lại hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, mặc dù vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hệ thống logistics đang hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Vì vậy, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ giao cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam rà soát và xây dựng quy hoạch mới hệ thống logistics qua đó xác định các danh mục dự án đầu tư trong và ngoài nước cho vùng để tiêu thụ tốt hàng hóa cho cả vùng. Dựa trên cơ sở thống nhất quy hoạch của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Hiệp hội sẽ đưa ra bàn bạc với các tỉnh, thành trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các địa phương. Từ đó, có thể thống nhất với quy hoạch chung của vùng đã và kiến nghị với các Bộ ngành Chính phủ để triển khai ngay trong năm 2017.           
 
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Chính sách - Đối ngoại Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, công tác quy hoạch trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Cần Thơ là hiệu quả nhất thay vì phải đầu tư cho cả hai trung tâm là Cần Thơ và Long An như quy hoạch trước đây vì nguồn lực đầu tư hiện nay còn khó khăn trong khi Long An lại nằm quá gần Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.  
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN
Trong công tác quy hoạch, Hiệp hội sẽ góp ý với tư cách chuyên gia đã từng phục vụ logistics tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và căn cứ những bước phát triển nối tiếp hiện đại trong khu vực và các thành phố lớn cả nước để áp dụng vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn như 90% hàng hóa vận chuyển quốc tế hiện nay bằng container nên trong công tác quy hoạch phải tính đến phương thực vận tải phù hợp với điều kiện thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. 
 
Ngoài ra, trong quy hoạch logistics cho vùng cần phải tính đến phương thức vận tải bằng đường không, vận tải đa phương thức... để đưa hàng hóa của vùng đến các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế. Xây dựng các trung tâm logistics phải phù hợp với vận chuyển hàng hóa, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, kể cả phân phối lưu thông để tiêu thụ nội địa thông qua các trung tâm logictics ... 

Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất về cơ chế tổ chức triển khai thực hiện, thống nhất phối hợp triển khai rà soát lại thực trạng quy hoạch trước đây đồng thời cho ra quy hoạch chung mới, quy hoạch từng tiểu vùng, những danh mục dự án cần được đầu tư. Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logictics Việt Nam có nhiệm vụ rà soát lại quy hoạch và đề xuất quy hoạch mới tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất các danh mục dự án cần đầu tư và các cơ chế chính sách hỗ trợ. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có trách nhiệm mời các tỉnh, thành trong khu vực để lấy ý kiến sau đó lấy ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương và trình Chính phủ phê duyệt.           
  
Thời gian triển khai rà soát và xây dựng quy hoạch mới được thực hiện từ nay tới đến tháng 6/2017. Trong năm nay, hai đơn vị dự kiến sẽ cố gắng đưa ra một số danh mục dự án logistics của vùng để kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh sẽ được tổ chức trong năm nay./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm