Phát huy hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn huyện Ngọc Lặc

Phát huy hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn huyện Ngọc Lặc
Học nghề may công nghiệp ở huyện Ngọc Lặc. Ảnh: vanhoadoisong.vn
Học nghề may công nghiệp ở huyện Ngọc Lặc. Ảnh: vanhoadoisong.vn
Ông Quách Văn Thọ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc cho biết: Ngọc Lặc là huyện miền núi nghèo, tại các thôn, bản vùng cao, nhiều lao động dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn khi tìm việc làm. Nhiều lao động thiếu kiến thức, trình độ nên rất khó xin vào làm các doanh nghiệp hoặc phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ thực tế này, huyện đã khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động để mở các lớp dạy nghề phù hợp với từng xã của huyện và nhu cầu của người học, nhất là  đối với lao động chọn học các nghề may, công nghiệp, điện dân dụng, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Đối với nghề may, huyện liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Pan-Pacific và Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ và thương mại Cẩm Hoàng để mở các lớp dạy nghề may công nghiệp, các học viên học nghề xong sẽ được 2 công ty này nhận vào làm với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/ người/tháng. Chị Phạm Thị Ái, (sinh năm 1986, dân tộc Mường), trú tại xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc cho biết, năm 2016, chị đi học nghề may 3 tháng tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Lặc, học xong chị được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Pan – Pacific nhận vào làm với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Đối với người dân sống tại khu vực miền núi khó khăn, số tiền này là vừa đủ để lo cho gia đình. Chị Phạm Thị Tươi (sinh năm 1983, dân tộc Mường) thôn 2, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc cũng là một trong những lao động có hoàn cảnh khó khăn.  Năm 2013 chị  Tươi xây dựng gia đình riêng, sau đó do không có việc làm chị phải vào miền Nam  kiếm tiền để gửi về nuôi con. Đến năm 2015, nghe tin huyện Ngọc Lặc có chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chị đã trở về và đăng kí học nghề may. Sau khi học xong, chị Tươi được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Pan-Pacific nhận vào làm công nhân với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Số tiền lương này đã giúp chị trang trải chi tiêu trong gia đình.
Nhà máy May Việt Pan-Pacific Thanh Hóa tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn huyện Ngọc Lặc và các địa phương lân cận. Ảnh: ngoclac.thanhhoa.gov.vn
Nhà máy May Việt Pan-Pacific Thanh Hóa tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn huyện Ngọc Lặc và các địa phương lân cận. Ảnh: ngoclac.thanhhoa.gov.vn
Tính từ năm 2011 tới nay, huyện Ngọc Lặc đã mở 11 lớp đào tạo nghề với 860 người lao động được học các nghề như: Trồng nấm, trồng cao su, may công nghiệp, sửa chữa điện tử...  Nhiều lao động sau khi học nghề đã tìm được việc làm. Dù vậy, việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ngọc Lặc hiện vẫn còn một số hạn chế như: Trên địa bàn huyện chỉ có 2 doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lao động là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Pan-Pacific và Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ và thương mại Cẩm Hoàng. Tuy nhiên đây lại là các doanh nghiệp tư nhân nên việc liên kết đào tạo còn hạn chế do phải hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của nhà nước. Bên cạnh đó, người lao động không muốn thời gian học nghề kéo dài mà chỉ muốn nắm được các kỹ thuật cơ bản rồi đi vào sản xuất và hưởng lương từ doanh nghiệp. Ông Quách Văn Thọ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc cho biết thêm: Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục xác định nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn và những nghề phù hợp với điều kiện từng địa bàn nhằm đáp ứng nguyện vọng của người lao động, đảm bảo hiệu quả sau học nghề. Đồng thời,  huyện tổ chức ký kết về đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo giữa "4 bên" là chính quyền địa phương, cơ sở dạy nghề, người học nghề và cơ sở kinh doanh trước khi mở các lớp dạy nghề. Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp với Trường trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Pan-Pacific để tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho người lao động.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm