Ông Triệu Tài Cao quyết không đổi rừng lấy nhà

Ông Triệu Tài Cao quyết không đổi rừng lấy nhà
Được nhận 30 ha rừng sản xuất và khai thác có kế hoạch từ năm 1992 để phát triển kinh tế nhưng ông Triệu Tài Cao, 78 tuổi, người dân tộc Dao ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, đến nay vẫn không khai thác để trồng rừng sản xuất mà giữ lại cho phát triển tự nhiên. Hàng chục héc ta này ông vẫn khoanh nuôi, tái sinh hàng nghìn cây lim xanh, tràm, sến, táu…. Ông chỉ bảo vệ mà không làm gì tác động đến mảnh rừng mà coi như tài sản để dành cho con cháu.
Ông Triệu Tài Cao đưa ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thăm rừng lim của gia đình ngày 13/4/2018. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Ông Triệu Tài Cao đưa ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thăm rừng lim của gia đình ngày 13/4/2018. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Để tăng thu nhập cho gia đình, gần đây gia đình ông Triệu Tài Cao có đưa thêm các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, ba kích, vôi tía, trầm gió…  trồng thêm dưới tán rừng trên 3 ha. Sau từ 2-3 năm, thu nhập gia đình ông từ việc thu hoạch cây trám, nhựa trám và một số loại dược liệu khoảng 100 triệu đồng. Thu nhập này chỉ giúp gia đình ông đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Đây là cách làm dù không đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng sẽ ổn định, bền vững hơn. Trong khi đó, các hộ dân trong vùng sau khi được giao rừng đã chuyển đổi ngay sang trồng keo. Với loại cây này chỉ sau 4-5 năm, người dân sẽ có ngay khoản thu 100 triệu đồng/ha và đây sẽ là khoản lớn để các hộ có thể đầu tư nâng cấp nhà cửa. Đến giờ, nhiều người vẫn ngỡ ngàng tại sao ông Cao vẫn đi theo con đường giữ rừng, không đầu tư trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế trong khi gia đình không phải là khá giả. Ngôi nhà ông Tài đang ở được gây dựng từ năm 1968 nhưng ông vẫn quyết tâm không đổi rừng lấy nhà. Anh Triệu Tiến Trìu, con của ông cho biết, việc giữ được rừng nguyên sinh như hiện nay gia đình cũng rất khó khăn, vất vả, bởi vừa phải lo bảo vệ rừng vừa phải lo trang trải kinh tế gia đình. Trước đây, các cây dược liệu trong rừng rất sẵn nhưng giờ cũng trở nên hiếm. Nhiều hộ cũng vì thế mà chuyển đổi sang trồng keo, để có hiệu quả kinh tế nhanh. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn xác định, giữ rừng cho tự nhiên và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để “lấy ngắn nuôi dài”. Nếu gia đình ông cũng chạy theo lợi ích trước mắt thì giờ rất khó còn những mảnh rừng sản xuất nhưng lại rất tự nhiên như hiện nay. Khoảng rừng của ông hiện có nhiều cây lim với kích thước lớn có đường kính từ 1 – 2 người ôm trải trên diện tích rộng nên áp lực bảo vệ cũng rất lớn đối với gia đình ông. Giữ một cánh rừng lớn và tự nhiên như vậy, nhưng gia đình ông chưa nhận được hỗ trợ gì từ các chính sách bảo vệ và phát triển rừng của nhà nước, ngoại trừ tỉnh Quảng Ninh có hỗ trợ một phần nhỏ cây giống. Để phát huy kinh tế rừng, anh Triệu Tiến Trìu mong muốn được hỗ trợ về vốn đầu tư, cây giống, kỹ thuật trồng và đặc biệt là cách phòng trừ sâu bệnh. Gia đình tự gây một số diện tích trầm nhưng cứ đến mùa hè là sâu bệnh hại hoành hành khiến cây không thể phát triển được. “Rất may là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đang phát triển mạnh “mỗi làng một sản phẩm” nên sắp tới nhiều sản phẩm dược liệu sẽ được huyện thẩm định đưa vào phát triển theo mô hình này. Hiện huyện đang thẩm định, đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu “Trà hoa vàng””, anh Trìu cho biết. Hiện nay, nhiều loại dược liệu dưới tán rừng của ông Cao được rất nhiều thương lái đến hỏi mua nhưng gia đình chưa đồng ý vì muốn để thêm thời gian, sản phẩm có thêm chất lượng cao hơn. Nhờ trồng cây dược liệu dưới tán rừng nên những người bảo vệ và phát triển rừng như ông Triệu Tài Cao có thêm sinh kế hàng ngày. Ông Đỗ Quyết Tiến, Bí thư xã Tân Dân cho biết, đây được xem là mô hình tiêu biểu của địa phương, huyện, thậm chí đối với cá nhân thì đây còn là mô hình của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm mô hình của ông Cao, bởi tỉnh đang hướng tới phát triển bảo vệ môi trường tự nhiên. Xã Tân Dân cũng đang hỗ trợ ông phát triển những cây dược liệu dưới tán rừng để giữ, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng nguyên sinh này. Cùng với đó là tìm hướng kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư dịch vụ nhằm giúp gia đình ông tăng thêm thu nhập để tiếp tục giữ rừng, phát triển tài nguyên tự nhiên cho con cháu. Theo ông Đỗ Quyết Tiến, việc khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ nhận được khoản kinh phí hỗ trợ của nhà nước nếu là rừng phòng hộ, còn rừng tự nhiên được giao cho sản xuất là không có. Hiện nhà nước có hỗ trợ trồng cây gỗ lớn để vận động nhân dân thay đổi nhận thức, thay đổi cây keo bằng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, chính sách chỉ hỗ trợ với diện tích trên 3 ha, nhưng xã hầu như không có gia đình nào có diện tích này.  Các chính sách như hỗ trợ cây giống, chỉ 10 triệu đồng/ha nên không đủ khuyến khích, thu hút được người dân. Xã Tân Dân cũng có rừng phòng hộ với trên 5 ha. Xã mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách để người dân được phát triển cây dược liệu dưới tán rừng giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Đỗ Quyết Tiến kiến nghị. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những mô hình bảo vệ và phát triển rừng như của ông Triệu Tài Cao hay việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng... đang được Tổng cục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ khi Luật Lâm nghiệp mới được thực thi.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm